Mất ngủ sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị
Nhiều chị em rơi vào tình trạng mất ngủ sau sinh
Nhiều chị em rơi vào tình trạng mất ngủ sau sinh - Ảnh: voh

Mất ngủ sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

Tác giả: - Xuất bản: 06/04/2021 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Mất ngủ sau sinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người mẹ đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân, và cách phòng tránh vấn đề này.

Theo nghiên cứu đoàn hệ về sinh đẻ tại Akershus, 60% phụ nữ bị mất ngủ vào khoảng từ tuần thứ 32 của thai kỳ và 8 tuần sau khi sinh. Mất ngủ sau sinh kéo dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần, tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh

Tầm quan trọng của giấc ngủ 

Thời kỳ hậu sản, còn được gọi là "tam cá nguyệt thứ tư", dùng để chỉ giai đoạn những thay đổi sinh lý của người mẹ liên quan đến việc mang thai trở về trạng thái không mang thai. Vì vậy ở thời kỳ này người mẹ cần được nghỉ ngơi để hồi phục lại sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần.

Giấc ngủ là một hình thức thư giãn toàn bộ cơ thể, nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà hệ thống nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa và chất lượng sữa mẹ, cũng như cảm xúc của người mẹ khi chăm sóc cho bé.

Triệu chứng mất ngủ sau sinh

  • Tâm trạng bồn chồn, dễ kích động
  • Rất nhạy cảm với các tác động xung quanh
  • Luôn cảm thấy buồn phiền
  • Lo lắng thái quá về nhiều vấn đề

Tùy thuộc vào nguyên nhân, chứng mất ngủ sau sinh có thể kéo dài vài tháng. Nếu mất ngủ kéo dài có thể là dẫn đến rối loạn trầm cảm sau sinh.

Nếu gặp bất kỳ một trong số các triệu chứng này, chị em nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh.

Nguyên nhân gây mất ngủ sau sinh

Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ sau sinh, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:  

  • Sự thay đổi nội tiết tố sau sinh: Nồng độ estrogen giảm đột ngột dẫn đến các rối loạn giấc ngủ và chứng trầm cảm sau sinh.
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm: Sau khi sinh, cơ thể đào thải các chất dư thừa mà cơ thể sản sinh ra để bảo vệ cho con trong giai đoạn mang thai. Điều này khiến bạn đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm, gây khó chịu và mất ngủ.
  • Rối loạn tâm trạng sau sinh: Người mẹ phải chịu rất nhiều thay đổi lớn sau khi sinh như sự biến đổi nhanh chóng về vẻ bề ngoài, cân nặng hay các thói quen cũ. Tất cả những điều này gây ra lo lắng, căng thẳng dẫn đến mất ngủ.
  • Chăm sóc cho bé: Rối loạn giấc ngủ xảy ra khá phổ biến và ít nhất trong vài tuần đầu sau sinh. Mẹ cần nhiều thời gian để ngủ lại sau khi phải thức dậy cho bé bú hoặc lo lắng xem bé có vấn đề gì hay không.

Hậu quả của mất ngủ sau sinh

Việc mất ngủ sau sinh khá phổ biến. Nhưng nếu mất ngủ trường diễn gây căng thẳng đầu óc và khả năng chăm sóc cho bé, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa tâm bệnh. Việc theo dõi và điều trị các vấn đề về giấc ngủ cần tiến hành càng sớm càng tốt, giúp giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nặng hơn như suy giảm chức năng tình dục, trầm cảm, tăng huyết áp.

Chứng mất ngủ sau sinh kéo dài làm mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, cáu gắt, dễ nóng giận, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Đặc biệt, nếu đang trong thời gian cho con bú, tâm trạng mệt mỏi này có thể ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết làm giảm lượng sữa tiết ra và giảm chất lượng sữa mẹ hoặc mất sữa.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra bằng chứng cho thấy khi mẹ căng thẳng và cáu giận, cơ thể sẽ giải phóng một loại chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến chất lượng sữa, từ đó tác động xấu sức đề kháng, chức năng tiêu hóa cũng như sự phát triển thể chất của trẻ.

Trong một số trường hợp, mất ngủ sau sinh còn là nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh. Ở dạng nhẹ, chứng trầm cảm sẽ tác động đến tâm lý, làm mẹ thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực đối với cuộc sống, không còn hứng thú chăm sóc bản thân và con. Nặng hơn, mẹ bị trầm cảm sẽ mất hết quan tâm, hứng thú trong việc chăm sóc con, thậm chí có thể sinh ra tâm lý thờ ơ, chán ghét hoặc làm hại đến đứa trẻ.

Xem thêm 

Mất ngủ thường xuyên có thể là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh 

Rối loạn giấc ngủ và trầm cảm có mối liên quan mật thiết với nhau mặc dù không chắc chắn liệu trầm cảm gây ra chứng mất ngủ hay ngược lại.

Mất ngủ là triệu chứng phổ biến, chiếm đến 94% số người bệnh trầm cảm. Việc không thể ngủ ngay cả khi con đang ngủ hoặc cảm thấy mệt mỏi mọi lúc có thể là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh. Nếu bạn gặp những điều trên thường xuyên, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ tâm bệnh để làm các bài Test tâm lý và đánh giá mức độ trầm cảm. 

Cách điều trị mất ngủ sau sinh 

Không nên để tình trạng mất ngủ sau sinh kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của mẹ, thậm chí tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh. 

Một số thảo dược đã được chứng minh có thể ngăn ngừa trầm cảm và giúp bạn ngủ lâu hơn. Nhưng bạn cần phải có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

Uống trà thảo dược để hỗ trợ giấc ngủ

  • Trà hoa cúc: Uống trà hoa cúc trong 2 tuần giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm nhẹ các triệu chứng trầm cảm. Nhưng tác dụng của loại trà này không kéo dài hơn 4 tuần. Vì vậy, đây chỉ có thể là một biện pháp điều trị ngắn hạn.
  • Trà hoa oải hương: Hương thơm của hoa oải hương kích thích người mẹ sinh ra cảm giác tích cực đối với em bé. Cũng như với hoa cúc, tác dụng tích cực của hoa oải hương chỉ giới hạn trong 4 tuần.

Bấm huyệt: Trong một nghiên cứu, phụ nữ sau sinh được điều trị bấm huyệt ở điểm trung tâm của lỗ tai ngoài gọi là điểm áp lực Shen Men (điểm trên tai, ở đỉnh của hố tam giác) 4 lần/ngày trong 14 ngày. Kết quả cho thấy biện pháp này giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Massage lưng: Trong một nghiên cứu ở Đài Loan, một nhóm phụ nữ sau sinh thực hiện liệu pháp massage lưng 20 phút vào buổi tối trong 5 ngày liên tiếp, kết quả là chất lượng giấc ngủ của họ được cải thiện.

Thuốc bình thần: Một vài loại thuốc thường được kê toa giúp bạn vượt qua chứng mất ngủ sau sinh. Tuy nhiên, các thuốc này có thể ảnh hưởng đến việc tiết sữa hoặc làm thay đổi chất lượng sữa mẹ. Vì vậy, cần thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm bệnh trước khi dùng thuốc. 

Liệu pháp nhận thức hành vi: Một nghiên cứu cho thấy liệu pháp nhận thức hành vi có thể giúp phụ nữ bị mất ngủ và trầm cảm sau sinh cải thiện thói quen và hành vi ngủ. Tâm trạng và chất lượng giấc ngủ của họ được cải thiện .

Phân biệt thiếu ngủ sau sinh và mất ngủ sau sinh 

Thiếu ngủ sau sinh Mất ngủ sau sinh

Khó đi vào giấc ngủ do một vài tác nhân bên ngoài như tiếng khóc của bé hay việc dậy vắt sữa đúng cữ, thời gian làm việc dài và không gian xung quanh ồn ào.

Không thể ngủ ngay cả khi có môi trường lý tưởng để ngủ.
Ngủ chập chờn không sâu giấc, phải thức dậy cho bé bú trong đêm thì không thể ngủ lại được dù đã rất mệt.

Tự chăm sóc bản thân cũng là một việc rất quan trọng để có thể chăm sóc bé sơ sinh thật tốt và phục hồi lại sức khoẻ sau một cuộc sinh nở vất vả. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng của mất ngủ sau sinh, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạn có thể chia sẻ với chồng, với gia đình và tìm đến bác sĩ chuyên khoa tâm bệnh để được tư vấn đúng nhất.

Nếu tình trạng mất ngủ khiến bạn mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực và không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa tâm bệnh ngay lập tức. Đừng để việc mất ngủ sau sinh ảnh hưởng đến việc bạn là một phụ nữ, một người mẹ tuyệt vời của con. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết