Máu nhiễm mỡ và những con số thống kê ở Việt Nam

Xuất bản: 25/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Ngày càng nhiều người mắc mỡ máu cao
Ngày càng nhiều người mắc mỡ máu cao - Ảnh: BookingCare
Ngày càng nhiều người mắc mỡ máu cao. Bệnh cũng có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ người mắc tăng nhanh ở độ tuổi 35 - 44. Mỡ máu tăng cao có thể dẫn tới các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch,...

Trước đây, máu nhiễm mỡ (rối loạn lipid máu, tăng Cholesterol) thường được coi là “căn bệnh nhà giàu", ít được chú ý. Đến nay, máu nhiễm mỡ đã trở thành bệnh thời đại khi số người trong cộng đồng mắc ngày càng gia tăng.

Dưới đây là tổng hợp một số số liệu thống kê về bệnh mỡ máu cao tại Việt Nam

Máu nhiễm mỡ và những con số thống kê ở Việt Nam

  • Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ người mắc mỡ máu cao ở Việt Nam tăng nhanh nhất ở độ tuổi 35 - 44.
  • Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng thống kê trong năm 2016, hơn 29% người Việt trưởng thành bị rối loạn mỡ máu, tỷ lệ dân thành thị chiếm tới 44,3%. Điều này cho thấy số người gặp vấn đề về mỡ máu không có dấu hiệu giảm, ngược lại dần cao hơn.
  • 71% người bệnh không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám tổng quát và đa số không lường được biến chứng tai hại của bệnh.
  • Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê và ước tính, rối loạn mỡ máu có liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não, 56% ca thiếu máu cơ tim trên toàn thế giới.
  • Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, có 200.000 người Việt đột quỵ mỗi năm do rối loạn mỡ máu.

Chế độ dinh dưỡng và vận động không hợp lý là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa Cholesterol, rối loạn lipid máu.

Một trong số những giải pháp chính giúp phòng ngừa và kiểm soát tình trạng mỡ máu cao là thay đổi chế độ dinh dưỡng, vận động thường xuyên.

Người bệnh không nhất thiết phải hạn chế chất béo trong khẩu phần ăn mà thay thế bằng việc lựa chọn, sử dụng chất béo có lợi cho sức khỏe như chất béo không bão hòa đơn, chất béo không bão hòa đa, hạn chế chất béo bão hòa, trans fat và hạn chế đường bổ sung. 

Bên cạnh đó nên duy trì hoạt động tập luyện, vận động thể chất 150 phút mỗi tuần. 

Mỡ máu cao là căn bệnh nguy hiểm, có thể để lại biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý để phòng ngừa nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ.