Men gan cao: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Men gan cao: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Men gan cao: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Men gan cao: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Người kiểm duyệt: - Xuất bản: 07/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/01/2024
Men gan cao không có biểu hiện rõ ràng nên người bệnh không biết mình đã bị mắc các bệnh. Thường có tâm lý chủ quan, không đi khám và tư vấn bác sĩ cũng như không điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình, điều này khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Men gan là một loại enzyme không thể thiếu nằm trong tế bào gan, tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể. Khi tế bào gan bị tổn thương nhiều thì men gan sẽ tăng do lượng enzym phóng thích vào máu càng nhiều.

Cũng tùy nguyên nhân gây tăng men gan mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh. Nồng độ men gan trong máu khác nhau sẽ phản ảnh tình trạng tế bào gan bị tổn thương khác nhau.

Men gan tăng là gì?

Có 4 loại men gan là AST, ALT, ALP (Phosphastase kiềm) và GGT. Men gan bình thường có các chỉ số sau:

  • AST và ALT: theo Trường phái tiêu hóa Hoa Kỳ 2017 xác định ngưỡng bình thường ở người khỏe mạnh là 29-33 U/L với nam và 19-25 U/L với nữ. 
  • GGT: 12 - 32 IU/L
  • Phosphatase kiềm: 20 - 140 U/L 

Khi các chỉ số này cao hơn so với giới hạn ngưỡng trên của chúng thì gọi là men gan cao (hoặc tăng men gan). 

Nguyên nhân khiến men gan tăng cao

Có nhiều nguyên nhân gây tăng men, trong đó có 2 nhóm chính là: Viêm gan do yếu tố bên ngoài như nhiễm độc (rượu, thuốc… ) và tổn thương gan do yếu tố virut, đặc biệt là viêm gan virut B, C và các loại siêu vi khác.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng một số thuốc có thể gây ra tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của tế bào gan hoặc gây ngộ độc tế bào gan làm xuất hiện viêm gan cấp tính do thuốc, ví dụ thuốc điều trị lao.

Các bệnh lý khác cũng có thể làm tăng men gan như các bệnh lý về chuyển hóa (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu), rối loạn hệ miễn dịch (viêm gan tự miễn), tổn thương do thiếu máu cục bộ ( do shock giảm phân bố lượng máu đến gan tạm thời)...

Triệu chứng của men gan cao

Tăng men gan cũng như các bệnh lý về gan khác thường có chung một số triệu chứng, nhưng rất khó nhận biết được ở giai đoạn đầu. Men gan tăng cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý gan mật đang trong thời gian ủ bệnh.

Men gan tăng cao không có biểu hiện rõ ràng nên người bệnh thường không biết mình đã bị mắc các bệnh. Thường có tâm lý chủ quan, không đi khám và tư vấn bác sĩ cũng như không điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình, điều này khiến bệnh ngày càng nặng.

Men gan cao có thể kéo dài từ một tuần đến vài tháng, thậm chí là vài năm. Cách tốt nhất để phòng và trị men gan cao hiệu quả là chủ động chống độc bảo vệ gan, hạn chế bia rượu và làm xét nghiệm kiểm tra chỉ số men gan định kỳ đều đặn để theo dõi và phát hiện những diễn biến bất thường ở gan.

Men gan cao có nguy hiểm không?

Nồng độ men gan cao phản ánh tình trạng tế bào gan đang bị tổn thương, gan đang bị viêm, hoặc một bệnh lý khác đang tiềm ẩn của hệ thống gan mật tụy, hoặc cơ quan khác (tim mạch, xương…). Đa số trường hợp tổn thương tế bào gan (viêm gan) khi có tình trạng tăng men ALT và AST. 

Phần lớn có thể chẩn đoán viêm gan cấp khi men gan ALT, AST tăng trên 10 lần so với giới hạn trên bình thường bình thường, thường trên 300 U/L. Đa số các trường hợp viêm gan mạn, men ALT và AST có thể bình thường hoặc tăng nhẹ, thường dưới 10 lần. Các men ALP và GGT khi tăng cao dự báo tình trạng ứ mật có thể trong và ngoài gan cần phải được chẩn đoán và phát hiện nhanh chóng, kịp thời. 

Tuy nhiên, do men ALT và AST cũng có thể tăng trong các bệnh khác như suy giáp, suy thượng thận, và giảm nhanh sau đó vài ngày, nên không được dùng để chẩn đoán mức độ nặng, mà để dự báo tình trạng tổn thương cấp tính hay mạn tính của gan, và gợi ý nguyên nhân, cho các bác sĩ đánh giá độ nặng và tiên lượng sống cho bệnh nhân thông qua các xét nghiệm đánh giá chức năng của gan như: đánh giá khả năng thải độc (Bilirubin), khả năng tổng hợp các yếu tố đông máu và các chất cần thiết cho gan (Prothrombin time, Albumin).

Từ các xét nghiệm chức năng này kết hợp với triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh gan sao cho phù hợp.

Cách chữa men gan cao

Men gan cao tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra các biến chứng về gan.

Khi đi khám, bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật sẽ tìm nguyên nhân gây tăng men gan để điều trị gốc rễ và giúp hạ men gan.

  • Chẳng hạn với bệnh viêm gan virut A, khiến men gan tăng cao và triệu chứng lâm sàng rất rầm rộ, nhưng khi điều trị được căn nguyên thì bệnh nhân hoàn toàn khỏi bệnh và ổn định men gan.
  • Nếu men gan tăng liên quan đến nhiễm độc thì loại bỏ độc tố (ngừng uống rượu, ngừng uống thuốc…).
  • Liên quan đến virut viêm gan B, C… thì phải điều trị bệnh này dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
  • Đối với bệnh nhân bị viêm gan mạn, thậm chí là xơ gan thì phải được bác sĩ chuyên khoa giám sát để phát hiện biến chứng và dự phòng biến chứng.

Trường hợp xét nghiệm bị tăng men gan thì cần giữ gìn sức khỏe, tránh làm việc quá sức, đồng thời phải nhanh chóng điều trị kịp thời, tránh được những biến chứng, đặc biệt là với bệnh viêm gan siêu vi mạn, bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu.

Trường hợp người bệnh đang dùng thuốc để điều trị một số bệnh lý khác, cần phải báo cho bác sĩ biết mình đang có tình trạng tăng men gan để tránh dùng những thuốc có hại cho gan.

Chế độ ăn uống cho người men gan cao
Chế độ ăn uống cho người men gan cao - Ảnh: Lao động

Khi mới phát hiện men gan tăng cao, cần phải theo dõi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để đánh giá  xem số lượng có thay đổi không và cũng nên làm siêu âm bụng tổng quát để biết được tình trạng của gan, ống dẫn mật, hệ thống tụy. Ngoài ra, người bệnh nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Kiêng các thức ăn nhiều dầu mỡ, các món chiên xào
  • Nên có chế độ ăn bổ dưỡng, nhiều chất đạm, ăn uống đầy đủ các vitamin cần thiết
  • Bữa ăn hàng ngày cần bổ sung các loại thực phẩm cung cấp nhiều vitamin A (sữa bò, lòng đỏ trứng, rau muống, gan động vật, cà rốt, bắp cải); các loại thức ăn chứa nhiều vitamin B1 (giá đỗ, hoa quả, đậu, lạc, rau xanh); thức ăn chứa vitamin B6 (gan động vật, bầu dục, thịt nạc)
  • Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục nhẹ nhàng, không nên thức khuya, không nên làm các công việc nặng nhọc quá sức.
  • Nên ăn nhiều rau, củ, quả, uống đủ nước (ngày 2-2,5 lít) bằng các loại nước nấu chín để nguội, nước canh, nước rau hay nước ép trái cây tươi...
  • Nên ngủ đủ (7- 8 tiếng/ ngày).

Trên đây là một số thông tin cơ bản nhưng rất hữu ích về bệnh men gan cao mà mọi người cần nắm rõ. Men gan cao có thể chưa đe dọa đến tính mạng người bệnh ngay nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Mời bạn đọc truy cập Cẩm nang sống khỏe của BookingCare để tìm đọc thêm nhiều bài viết y khoa hữu ích.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết