- Xuất bản: 25/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/03/2024
Mệt mỏi kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng công việc - Ảnh: BookingCare
Mệt mỏi kéo dài là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến mà nhiều người gặp phải. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể gây ra những rắc rối lớn trong công việc và các hoạt động hàng ngày.
Chúng ta thường chủ quan bỏ qua cảm giác mệt mỏi mà không biết rằng mệt mỏi kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khoẻ. Vậy mệt mỏi kéo dài có nguy hiểm không, nguyên nhân, cách phòng ngừa hiệu quả, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mệt mỏi kéo dài là gì?
Mệt mỏi là cảm giác chủ quan của người bệnh, đó có thể là một triệu chứng thực thể như đau đầu, đau nhức mỏi người, cảm giác nóng sốt, chán ăn, chán trường với những hoạt động thường ngày... khiến người bệnh không thể tập trung và làm việc hiệu quả, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.
Bất kỳ ai cũng có thể gặp tình mệt mỏi kéo dài, nhưng ở những đối tượng làm việc cường độ cao, làm việc nặng thường xuyên, môi trường sống và làm việc căng thẳng, ô nhiễm… gặp tỉ lệ mệt mỏi kéo dài nhiều hơn.
Mệt mỏi kéo dài có nguy hiểm không
Mệt mỏi khi làm việc quá sức, vận động nhiều… là vấn đề hết sức bình thường, chỉ cần nghỉ ngơi sẽ hết mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên nếu mệt mỏi kéo dài hơn và không cải thiện khi đã nghỉ ngơi, cần thận trọng. Đó có thể là báo hiệu của một vấn đề sức khoẻ khác.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài, trong đó có cả những nguyên nhân nguy hiểm và khó điều trị, vì vậy người bệnh khi gặp phải tình trạng này không nên chủ quan.
Nguyên nhân gây mệt mỏi kéo dài
Mệt mỏi kéo dài là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khoẻ khác nhau, một số nguyên nhân phổ biến gây mệt mỏi kéo dài:
Thiếu ngủ: Một trong những nguyên nhân chính gây mệt mỏi kéo dài là thiếu ngủ. Cơ thể chúng ta thường cần khoảng 7-9 giờ ngủ mỗi đêm để phục hồi và nạp năng lượng. Thiếu ngủ có thể là do nhiều nguyên nhân, bao gồm căng thẳng, lo âu, rối loạn giấc ngủ, hoặc các yếu tố ngoại cảnh như tiếng ồn, ánh sáng hoặc nhiệt độ không phù hợp. Thiếu ngủ khiến cơ thể mệt mỏi uể oải thiếu sức sống vào sáng ngày hôm sau.
Rối loạn giấc ngủ: như chứng mất ngủ, mất ngủ kéo dài, hoặc giấc ngủ không sâu cũng có thể gây ra mệt mỏi kéo dài. Khi cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ trong giấc ngủ, sự mệt mỏi sẽ kéo dài vào ban ngày.
Căng thẳng áp lực: áp lực từ công việc, học tập, và cuộc sống hàng ngày có thể gây ra mệt mỏi kéo dài. Sự căng thẳng liên tục không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dẫn đến mệt mỏi và kiệt sức.
Bệnh trầm cảm: người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, không có năng lượng và sức sống. Giai đoạn đầu người bệnh có thể rất hưng phấn, vui vẻ và nhiệt tình bất thường sau đó dần trầm lặng, mất năng lượng và tiêu cực.
Bệnh thiếu máu: thiếu máu khiến cho việc nuôi dưỡng cho các cơ quan bị suy giảm, quá trình trao đổi chất cũng giảm khiến cho cơ thể mệt mỏi kéo dài kèm theo các biểu hiện thiếu máu như hoa mắt chóng mặt, da xanh tái…
Đau nửa đầu: thường gây ra bởi tình trạng thiếu máu não do tắc nghẽn mạch máu bởi các gốc tự do, hình thành mảng xơ vữa, huyết khối. Người bị đau nửa đầu thường mệt mỏi cùng với cơn đau dữ dội làm giảm chất lượng cuộc sống.
Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt: Chế độ ăn uống không cân đối và thiếu chất dinh dưỡng cũng có thể gây ra mệt mỏi kéo dài. Việc thiếu hụt dưỡng chất quan trọng như sắt, vitamin B12, và axit folic có thể làm suy giảm năng lượng và gây ra các vấn đề sức khỏe khác như thiếu máu, suy dinh dưỡng và suy nhược cơ thể.
Các vấn đề về tuyến giáp
Suy nhược thần kinh
Tình trạng viêm nhiễm
Do dùng thuốc
Bệnh lý tại các cơ quan của cơ thể: bất kỳ bất thường tại cơ quan nào của cơ thể đều có thể gây ra tình trạng mệt mỏi cho người bệnh
Giấc ngủ không chất lượng gây mệt mỏi kéo dài - Ảnh: Freepik
Cách phòng ngừa mệt mỏi kéo dài
Để xử lý mệt mỏi kéo dài, quan trọng nhất là phải xác định nguyên nhân cụ thể gây ra vấn đề này. Dưới đây là một số biện pháp cơ bản có thể giúp hạn chế tình trạng mệt mỏi kéo dài:
Cải thiện chế độ ngủ: tạo điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ bằng cách giảm ánh sáng, tiếng ồn và duy trì một thói quen ngủ đều đặn. Ngủ đủ giấc mỗi ngày.
Giảm căng thẳng: học các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga, và tập thể dục để giúp thư giãn tâm trí và cơ thể. Trong thời gian mệt mỏi kéo dài hạn chế làm việc quá sức.
Cải thiện chế độ ăn uống: bổ sung dưỡng chất cần thiết và duy trì một chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh. Uống nhiều nước và bổ sung các loại vitamin cần thiết. Hạn chế tối đa các chất có cồn, cafein, đồ uống có gas…
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể bổ sung sắt để hạn chế thiếu máu do kinh nguyệt.
Chăm sóc sức khỏe: nếu mệt mỏi kéo dài là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cụ thể, hãy tìm kiếm sự tư vấn y tế chuyên môn và điều trị phù hợp.
Nếu có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường… cần theo dõi, dùng thuốc và kiểm soát tốt.
Tập thể dục và nâng cao sức khỏe bằng các môn thể thao phù hợp.
Mệt mỏi kéo dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng hoạt động hàng ngày. Việc nhận biết nguyên nhân cũng như hiểu về cách phòng ngừa vấn đề này là rất quan trọng để có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh và năng động hơn.