Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và triệu chứng tiêu chảy
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và triệu chứng tiêu chảy
Rối loạn tiêu hóa ở người bệnh tiểu đường
Rối loạn tiêu hóa ở người bệnh tiểu đường - Ảnh: BookingCare

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và triệu chứng tiêu chảy

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Rối loạn tiêu hóa là một trong những triệu chứng thường gặp ở người bệnh tiểu đường, gây ảnh hưởng tới nhiều bộ phận trong hệ tiêu hóa như dạ dày, ruột non, đại tràng,...

Tiêu chảy là một triệu chứng thường gặp ở người bệnh tiểu đường và có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Người bệnh nên nắm được các thông tin cơ bản về mối liên hệ giữa tiểu đường và tiêu chảy để có thể theo dõi và điều trị bệnh một cách hiệu quả.

Tại sao người bệnh tiểu đường dễ bị bệnh đường ruột?

Người bị tiểu đường có lượng đường trong máu cao do vấn đề với insulin. Lượng đường máu cao dai dẳng có thể dẫn đến nhiều biến chứng bao gồm bệnh lý thần kinh. Tổn thương thần kinh trong đường tiêu hoá có thể ảnh hưởng đến tính đồng nhất và tần suất đi ngoài, dẫn đến tiêu chảy, táo bón và các vấn đề khác.

Nhiều người mắc bệnh đường ruột liên quan đến bệnh tiểu đường bị tiêu chảy, táo bón và đại tiện không tự chủ. Đây là những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất ở người bệnh tiểu đường.

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở người bệnh tiểu đường

Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài phân lỏng hay phân nước. Khoảng 5 bệnh nhân tiểu đường thì sẽ có 1 người thường xuyên bị tiêu chảy, tức là khoảng 22%.

Những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị tiêu chảy thường xuyên do:

  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị tiểu đường Metformin: Loại thuốc trị tiểu đường này có thể gây ra các vấn đề về dạ dày, bao gồm tiêu chảy. Ngoài ra còn có thuốc ức chế men alpha glucosidase cũng gây triệu chứng tiêu chảy.
  • Chất tạo ngọt: Nếu người bệnh tiểu đường thường tiêu thụ nhiều chất tạo ngọt nhân tạo. Những chất tạo ngọt này đôi khi có thể gây tiêu chảy.
  • Những người mắc bệnh tiểu đường có thể mắc các vấn đề về đường ruột khác. Các tình trạng như hội chứng ruột kích thích cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy.
  • Bệnh thần kinh: những người mắc bệnh tiểu đường có thể xuất hiện triệu chứng bệnh thần kinh do lượng đường trong máu cao. Bệnh thần kinh có thể dẫn đến các vấn đề trong quá trình chuyển hóa thức ăn và chất lỏng di chuyển qua ruột. Nó cũng ảnh hưởng đến cách hệ thống tiêu hóa hoạt động tổng thể ví dụ như ruột non hoặc ruột già bị tổn thương và không hoạt động bình thường. Điều này khiến bệnh nhân có thể bị táo bón xen kẽ với tiêu chảy.

Các triệu chứng tiêu chảy ở người bệnh tiểu đường

Bệnh đái tháo đường có thể gây ra biến chứng ở ruột và trực tràng. Điển hình là những đợt đi ngoài phân lỏng nát có thể tới cả chục lần/ngày, không gây đau đớn. Thông thường, bệnh nhân đi ngoài vào ban đêm nhiều hơn ban ngày. 

Triệu chứng đi ngoài này thường không khiến người bệnh bị giảm cân. Nếu có, hãy đến khám trực tiếp với bác sĩ để được kiểm tra chính xác nhất vì khi này lượng đường đường huyết trong máu có thể đang tăng cao hoặc dạ dày đang gặp vấn đề.

Đi ngoài không tự chủ cũng là tình trạng đáng ngại vì những biến chứng của đái tháo đường gây cho hệ tiêu hóa. Bình thường khi khối lượng phân đủ nhiều trong trực tràng sẽ tạo tín hiệu báo lên thần kinh trung ương cho ta biết cần phải đi đại tiện. Nếu như điều kiện hoàn cảnh cho phép, cơ thắt trực tràng sẽ giãn ra và cùng với phản xạ co một loạt các cơ khác để đẩy phân ra ngoài. 

Với người đái tháo đường có biến chứng thần kinh tự trị, phần lớn bệnh nhân đều cảm giác thấy có phân trong trực tràng nhưng không thể kìm hãm sự tống phân một cách chủ động. Có lúc bệnh nhân không tự chủ được, phân có thể són ra quần một cách không có tự chủ gây cảm giác khó chịu và rất bất tiện trong cuộc sống cũng như công việc.. 

Cách điều trị bệnh tiêu chảy do bệnh tiểu đường

Yếu tố quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy liên quan đến bệnh tiểu đường là kiểm soát lượng đường trong máu. Kiểm soát lượng đường trong máu có thể ngăn ngừa tổn thương thần kinh và giúp cải thiện cũng như ngăn ngừa các nguy cơ biến chứng khác.

Dưới đây là một vài lời khuyên mà chuyên gia dinh dưỡng dành cho bạn để có thể cải thiện sức khỏe khi bị tiêu chảy do bệnh tiểu đường:

  • Ăn nhiều chất xơ, kể cả ngũ cốc nguyên hạt nhưng không quên theo dõi lượng Carbohydrate nạp vào cơ thể
  • Uống nhiều nước, bạn bị mất nước do tiêu chảy
  • Thay đổi các loại rau củ mà bạn đang ăn hàng ngày, bạn có thể tham khảo bài viết về những loại rau củ phù hợp cho người bệnh tiểu đường
  • Cải thiện lượng đường trong máu bằng cách tuân theo kế hoạch bệnh tiểu đường mà bác sĩ đã đề ra
  • Dùng thuốc khi cần thiết.
  • Tập thể dục thường xuyên để cơ thể được hoạt động, thư giãn
  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế rượu bia.

Tiêu chảy do bệnh tiểu đường có thể không gây nguy hiểm lớn đến tính mạng nhưng người bệnh vẫn không được chủ quan. Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường, hãy đến gặp ngay bác sĩ Nội tiết - Tiểu đường để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh trong thời gian dài dẫn đến nhiều biến chứng bệnh tiểu đường nguy hiểm khác.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết