Mụn trứng cá: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả
Mụn trứng cá: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả
mụn trứng cá
Mụn trứng cá: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Mụn trứng cá: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Mụn trứng cá là một trong những vấn đề da liễu phổ biến nhất ở độ tuổi dậy thì. Một số trường hợp trứng cá sẽ giảm dần, nhưng cũng có nhiều trường hợp tiến triển dai dẳng, để lại các tổn thương khiến người mắc bệnh tự ti, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Mụn trứng cá là một bệnh của nang lông tuyến bã được biểu hiện với nhiều hình thái tổn thương đa dạng như nhân, sẩn, mụn mủ, cục, nang trứng cá… Bệnh có thể để lại hậu quả như thâm mụn, sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo quá phát. Bệnh xuất hiện nhiều nhất ở nam, nữ trong độ tuổi dậy thì cho đến 30 – 40 tuổi.

Triệu chứng của mụn trứng cá

Mụn trứng cá có thể được phân loại là:

  • Không viêm: Đặc trưng bởi nhân mụn
  • Viêm: Đặc trưng bởi sẩn mủ, mụn mủ, cục, áp xe
  • Nhân mụn: là những nốt nhỏ hơi nổi cao  hơn bề mặt da. Bao gồm nhân đóng (nhân đầu trắng) và nhân mở (nhân đầu đen)

Các triệu chứng của mụn trứng cá viêm bao gồm sưng đỏ da xung quanh vùng có mụn và xuất hiện những sẩn màu trắng đục ở giữa. Nếu viêm sâu và rộng hơn tình trạng sưng và những mụn đỏ sẽ càng nhiều, những mụn nằm sâu bên trong da có thể gây đau đớn một cách trầm trọng hơn.

Hầu hết mụn trứng cá thường xuất hiện ở trên mặt, nhưng cũng có thể ở trên cổ, lưng, ngực và vai.

Nguyên nhân xuất hiện mụn trứng cá

Mụn trứng cá là một bệnh lý viêm da với cơ chế bệnh sinh phức tạp. Có 4 yếu tố chính được xem là nguyên nhân gây mụn trứng cá: Tăng sản xuất chất bã nhờn, tăng sừng hóa cổ nang lông, sự hoạt động của vi khuẩn sinh mụn và phản ứng viêm dưới da.

Ngoài ra, nhiều yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến bệnh như: yếu tố di truyền, hormone, stress, ô nhiễm môi trường, lạm dụng mỹ phẩm, chế độ ăn và lối sống. Các yếu tố khởi phát thường gặp là

  • Tuổi dậy thì: Trong giai đoạn dậy thì, sự tăng trưởng của hormone androgen kích thích sự sản xuất bã nhờn tăng lên
  • Thay đổi nội tiết xảy ra khi có thai hoặc chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới
  • Mỹ phẩm, chất tẩy rửa, kem dưỡng da không phù hợp gây bít tắc và tổn thương da 
  • Độ ẩm môi trường cao và tình trạng tăng tiết mồ hôi

Chẩn đoán mụn trứng cá

Để chẩn đoán mụn trứng cá chủ yếu dựa vào lâm sàng. Bác sĩ da liễu sẽ quan sát vị trí vùng bị mụn; xem tổn thương là các nhân trứng cá (đầu trắng, đầu đen), sẩn viêm có nhân trứng cá ở giữa, mụn mủ, sẩn mủ, nang bọc hay không.

Từ đó đưa ra kết luận về thể trứng cá mắc phải (trứng cá thông thường, trứng cá bọc, trứng cá mạch lươn,...) và mức độ bệnh (nhẹ, vừa, nặng).

Hình ảnh mụn trứng cá
Hình ảnh mụn trứng cá - Ảnh: gladskin.com

Phương pháp điều trị mụn trứng cá

Do trứng cá là bệnh có nguyên nhân, cơ chế phức tạp nên việc điều trị cần liên quan nhiều yếu tố, đó là:

  • Thể trứng cá: Trứng cá đơn thuần, trứng cá viêm nhiễm hay trứng cá phối hợp... Sự phân loại đúng sẽ dẫn tới việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
  • Mức độ trầm trọng của bệnh: bác sĩ sẽ đánh giá chính xác để có nên chỉ định điều trị toàn thân hay không.
  • Xem xét tìm hiểu các yếu tố khác mà bệnh nhân có liên quan tới như: Thuốc đã dùng, môi trường làm việc, chế độ ăn uống sinh hoạt…

Bệnh nhân cần được tư vấn, giải thích rõ ràng để sử dụng thuốc một cách phù hợp, không tự ngừng điều trị, không tự làm cho thương tổn nặng thêm như nặn, bóp trứng cá… 

Mục đích của điều trị trứng cá là nhằm giải quyết những vấn đề sau:

  • Giảm tiết chất bã nhờn.
  • Giảm ứ đọng chất bã nhờn.
  • Giảm sừng hóa cổ nang lông
  • Chống viêm và diệt khuẩn

Việc điều trị sẹo nên tiến hành khi bệnh trứng cá đã ổn định.

Đối với các trường hợp mụn trứng cá nhẹ thì bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà bằng cách sử dụng các loại thuốc thoa chứa acid azelaic hay acidsalicylic. Ngay khi đã sạch mụn, vẫn cần tiếp tục điều trị để phòng ngừa thương tổn mới xuất hiện. Nếu mụn vẫn không đáp ứng với điều trị, cần đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để có biện pháp phù hợp hơn.

Đối với các trường hợp mụn trứng cá trung bình - nặng, cần được điều trị và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu. Thông thường, cần điều trị kết hợp 2 hay nhiều phương pháp như: thuốc kê toa như retinoids thoa/uống, kháng sinh thoa/uống, liệu pháp hormone, liệu pháp laser và ánh sáng…

Điều trị mụn trứng cá hiệu quả tại nhà

Dưới đây là một số lưu ý để bạn đọc chăm sóc mụn trứng cá hiệu quả tại nhà:

Rửa mặt và những vùng da bị mụn bằng những sản phẩm làm sạch nhờn, dịu nhẹ, không chứa cồn. Nên rửa nhẹ nhàng và giới hạn số lần rửa không quá 2 lần/ngày.

Không chà xát, cậy nặn da tại các vị trí đang nổi mụn, điều này sẽ khiến tình trạng nhiễm trùng bị nặng thêm, biểu hiện sưng đỏ và viêm đau nghiêm trọng hơn.

Ưu tiên lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da không chứa dầu. Trên các sản phẩm này thường dán nhãn “không có chất dầu” (oil-free), “không gây mụn trứng cá” (nonacnegenic), “không sinh nhân mụn” (noncomedogenic), “không làm tắc lỗ nang lông” (wont clog pores).

Trong thời gian mụn đang bùng phát, nên hạn chế việc trang điểm nhiều nhất có thể. Nếu phải trang điểm, hãy sử dụng các sản phẩm ưu tiên cho da bị mụn và cần tẩy trang thật sạch.

Điều trị mụn trứng cá  trong giai đoạn đầu cần thời gian ít nhất 6-8 tuần để thấy hiệu quả rõ ràng. Thay đổi liên tục các biện pháp rất dễ dẫn đến thất bại điều trị.

Sau thời gian điều trị tấn công làm cho sạch mụn, bệnh nhân cần phải chuyển sang điều trị duy trì trong thời gian dài để tránh tái phát. Do vậy, người bệnh cần kiên nhẫn và tuân thủ điều trị. Không nên tự mua thuốc điều trị hoặc nghe người khác khuyên nhủ về một phương pháp nào đó, bởi một cách điều trị có thể hiệu quả cho người này nhưng sẽ không phù hợp đối với người khác.

Sống chung với mụn trứng cá

Mụn trứng cá không phải là bệnh thoáng qua, không thể chữa khỏi trong vòng vài tuần mà cần điều trị kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau tuổi trưởng thành. Sau khi ổn định bệnh nhân cần phải điều trị duy trì với một chế độ khoa học:

  • Bệnh nhân bị mụn trứng cá cần có chế độ sinh hoạt học tập, làm việc hợp lý, ngủ nghỉ điều độ, hạn chế thức khuya và giảm thiểu stress, vì stress làm tuyến bã tăng tiết và đẩy mạnh quá trình viêm..
  • Tránh đồ ăn ngọt, béo (như chè, bánh ngọt, xoài, sầu riêng, xôi nếp…) hoặc uống quá nhiều sữa; hạn chế đồ ăn xào rán nhiều dầu mỡ. Thay vào đó hãy ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống nhiều nước.
  • Không sử dụng mỹ phẩm, thuốc thoa, sản phẩm chăm sóc da không rõ nguồn gốc.
  • Tránh chạm tay lên mặt, điều đó có thể làm xuất hiện mụn và mụn tái phát nặng hơn.
  • Giữ gìn vệ sinh môi trường sống, thay vỏ ga, gối và vệ sinh màn hình điện thoại di động thường xuyên.

Nhìn chung, chăm sóc và điều trị mụn trứng cá nếu được thực hiện đúng cách sẽ mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, bạn đọc cần tìm hiểu kỹ các phương pháp điều trị bởi một số quan điểm sai lầm trong chăm sóc và điều trị mụn trứng cá có thể để lại biến chứng như thâm, đỏ da kéo dài hoặc sẹo rỗ nặng…

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare