Nấc cụt nhiều lần trong ngày có bị sao không? 

Tác giả: - Xuất bản: 09/05/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Nấc cụt
Nếu nấc cụt chỉ diễn ra trong vòng 24h thì đây là hiện tượng bình thường - Ảnh BookingCare
Nấc cụt là tình trạng co thắt không tự chủ và lặp đi lặp lại của cơ hoành dẫn đến sự đóng đột ngột thanh môn, việc này cản trở dòng khí vào và gây ra âm thanh đặc trưng của nấc. Vậy nấc cụt nhiều lần trong ngày có bị sao không?

Nấc cụt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi dây thần kinh phế vị dẫn truyền cảm giác từ bụng lên não bị kích thích và tình trạng này ai cũng có thể mắc phải ít nhất vài lần trong đời.

Nếu nấc cụt chỉ diễn ra trong vòng 24h thì đây là hiện tượng bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe do đó không cần điều trị. Tuy nhiên có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu.

Nấc cụt nhiều lần trong ngày là một phản ứng bình thường của cơ thể 

Các cơn nấc cụt bình thường có thể kéo dài khoảng vài phút và bị nhiều lần trong ngày khi bạn ăn quá nhanh, quá nhiều, khi uống nước giải khát có gas, khi uống rượu hay bị căng thẳng,... 

Cơn nấc cụt này thường ngắn, chỉ diễn ra trong vài phút, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều giờ, thậm chí lên đến 1-2 ngày và có thể tự hết. 

Trong trường hợp nấc cụt kéo dài nhiều giờ khiến bạn khó chịu thì có thể áp dụng một số mẹo dân gian chữa nấc cụt dưới đây:

  • Uống nước từng ngụm nhỏ. Nếu uống nước 3-4 cốc mà chưa cải thiện thì nên sử dụng các biện pháp khác.
  • Dùng hai ngón tay ép vào động mạch cảnh 2 bên. Lúc đầu ép nhẹ, sau đó tăng dần đến khi nào thấy tức nặng khó chịu thì giảm ép.
  • Hít sâu và giữ hơi thở càng lâu càng tốt, ít nhất là 10 giây. Có thể làm 3-4 lần liên tục cơ thể sẽ tự điều chỉnh và làm cho hết nấc.
  • Bịt hai tai trong vòng 5 phút, xoa tay đều nhịp nhàng
  • Làm cho người bị nấc cụt sợ hãi hoặc giật mình
  • Đánh lạc hướng để người bị nấc cụt không chú ý đến cơn nấc (có thể áp dụng với trẻ em, làm cho trẻ cười thành tiếng, chơi đùa để bé quên đi nấc, hoặc khóc cũng làm cho bé hết nấc)

Nấc cụt liên tục kéo dài cảnh báo một số bệnh lý?

Thông thường, hiện tượng nấc cụt xuất hiện khi chúng ta nuốt thức ăn quá nhanh hoặc lượng không khí bị nuốt vào dạ dày quá nhiều, hoặc do căng thẳng,… Những cơn nấc cụt này hiếm khi kéo dài quá 1 phút.

Đa số các trường hợp nấc cụt là hiện tượng bình thường, không nguy hiểm, chỉ gây khó chịu và bất tiện khi mắc phải. Tuy nhiên, nấc cụt là hiện tượng cảnh báo một bệnh nghiêm trọng nào đó, nhất là khi nấc cụt có kèm các biểu hiện khác như đau, sốt, thở nhanh. Do đó, khi thấy xuất hiện những cơn nấc cụt dai dẳng kéo dài hơn 48 giờ, phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời vì các bệnh sau đây:

  • Trào ngược dạ dày - thực quản: Khi bị trào ngược axit trong dạ dày-thực quản, người bệnh bị đầy hơi và ợ nóng, ợ chua sẽ kích thích cơ hoành gây ra nấc kéo dài liên tục nhiều ngày. 
  • Tổn thương thần kinh: Khi bị tổn thương thần kinh phế vị gây ra bởi các vấn đề có liên quan đến cổ, họng, ngực và bụng hay khối u chèn ép thần kinh đều có thể khiến cơ hoành co cứng dẫn đến nấc cụt liên tục.
  • Đột quỵ: Khi bị nấc cụt kéo dài thì một trong những cảnh báo nghiêm trọng về sức khỏe chính là cảnh báo nguy cơ đột quỵ. Khi sắp xảy ra đột quỵ, người bệnh thường bị nấc cụt và kèm theo đau ngực, tê nhức, mờ mắt nhưng đôi khi do cơn nấc cụt quá nặng cho nên nó làm lu mờ các dấu hiệu khác.
  • Các bệnh về thận: Nếu nấc cụt có kèm theo co giật cơ, khát nước, da nhợt nhạt xanh xao, đó chính là có bệnh lý ở thận cho nên phải đi khám ngay. 
  • U não: Tuy hiếm gặp nhưng khi bị nấc cụt kéo dài cũng thường là dự báo tình trạng bị u não. 
  • Mang thai: Co thể sự do sự thay đổi hooc-môn và tình trạng stress đã dẫn đến những cơn nấc do căng thẳng. Không ít trường hợp chị em phụ nữ cho biết nấc cụt là dấu hiệu giúp họ phát hiện có thai. 

Tóm tại, nấc cụt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi nó diễn ra một hoặc nhiều lần trong ngày tuỳ vào tần số nấc cụt của mỗi người. Tình trạng này có thể tự hết mà không cần phải điều trị gì.

Trong trường hợp nấc kéo dài dai dẳng (> 2 ngày) kèm theo các triệu chứng bất thường khác làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thì cần phải thăm khám ngay để được theo dõi và điều trị.