Nấm Candida có tự khỏi không?

Tác giả: - Xuất bản: 13/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Nấm Candida có tự khỏi không?
Nấm Candida có tự khỏi không? - Ảnh: BookingCare
Nhiễm nấm Candida trong âm đạo được gọi là viêm âm đạo do nấm (nấm âm đạo) là bệnh lý khá phổ biến ở nữ giới. Nấm Candida là gì? Mắc nấm Candida có tự khỏi được không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho chị em những câu hỏi này.

Nấm âm đạo gây ra chủ yếu bởi nấm Candida Albicans, thường dễ tái phát nếu không điều trị triệt để. Đây là một loại nấm phổ biến, tồn tại ngay cả môi trường xung quanh, khi lây nhiễm cơ thể có thể gây ra nấm ở các vị trí như nấm da, nấm miệng, nấm ở hệ thống tiêu hoá và cơ quan sinh dục.

Nhiễm nấm Candida có tự khỏi không?

Nấm Candida không thể tự khỏi được, bệnh dễ tái lại nhiều lần và cần sử dụng thuốc mới có thể chữa khỏi.

Hiện nay, chữa nấm Candida âm đạo thường được kết hợp thuốc uống, thuốc bôi ngoài âm hộ, thuốc đặt âm đạo và nước rửa ngoài âm hộ. Ngoài dùng thuốc thì cần thay đổi các thói quen vệ sinh hay quan hệ tình dục để tránh tái phát.

Phương pháp điều trị nấm Candida

Để điều trị nấm Candida, bạn đọc có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây:

Các thuốc chống nấm sử dụng toàn thân và tại chỗ hiện nay chủ yếu là nhóm nystatin, ketoconazole, fluconazole hay itraconazol. Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc này, đặc biệt ở các trường hợp tái diễn, dùng thuốc nhiều lần, cần chú ý theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc như: buồn nôn, nôn, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, chảy máu tiêu hóa; thiểu năng tuyến thượng thận, gây chứng vú to ở nam giới và giảm tình dục; có thể gặp nhức đầu, chóng mặt, kích động hoặc ngủ gà, viêm da, phát ban, mày đay, tăng enzym gan. 

Ketoconazol ức chế enzym gan, làm tăng nồng độ trong huyết tương của các thuốc chống đông máu, thuốc chống ung thư, kháng histamin H1 thế hệ 2, thuốc an thần và corticoid. Các thuốc kháng acid, kháng histamin H2 và isoniazid làm giảm hiệu quả trị nấm của ketoconazol.

Intraconazol làm giảm nồng độ trong huyết tương của rifampicin, phenytoin, carbamazepin. Tăng nồng độ trong huyết tương của digoxin, cyclosporin các kháng histamin như terfenadin, astemizol (gây độc với tim, xoắn đỉnh) và ảnh hưởng tới chuyển hóa của các thuốc chống tiểu đường.

Ngoài sử dụng thuốc, chị em cần lưu ý: 

  • Không nên mặc đồ lót quá chật, nên dùng loại vải bông.
  • Không nên mặc quần tây, quần jean quá chật.
  • Không nên tự tiện sử dụng xà bông, nước hoa, chất khử mùi mà nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại này.

Đối với trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, cần kiểm tra lại vì rất có thể do:

  • Bị bệnh đái tháo đường 
  • Dùng kháng sinh kéo dài
  • Thuốc tránh thai có estrogen 
  • Quan hệ tình dục khi bệnh chưa dứt hẳn
  • Chưa điều trị bạn tình

Đây là các nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng, tạo thuận lợi cho nấm phát triển, cần tìm nguyên nhân để điều trị. Bệnh nấm Candida không thể tự khỏi được. Khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh, bạn hãy đến các trung tâm y tế để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết