Nên làm gì khi người thân mắc Trầm cảm?
BookingCare đã nhận được nhiều cuộc gọi từ người nhà người bệnh trầm cảm để đăng kí khám và tư vấn. Vì vậy, BookingCare đã tổng hợp nội dung dưới đây, mong rằng đó là những gì mà bạn đang tìm kiếm.
Trong quá trình hỗ trợ cho hàng nghìn bệnh nhân trầm cảm thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, BookingCare đã nhận được nhiều cuộc gọi đến từ gia đình người bệnh bày tỏ rằng người thân của mình không muốn đi khám, và dường như họ rất khó để chấp nhận là mình đang mắc bệnh. Cũng có những trường hợp bệnh đã ở giai đoạn rất nặng nên không muốn tiếp xúc và ngại khi phải đi ra ngoài.
Chính vì vậy, bằng những trải nghiệm của mình và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn tài liệu, BookingCare đã tổng hợp lại nội dung để người nhà bệnh nhân Trầm cảm tham khảo. Mong rằng bạn sẽ vững tin và tìm được giải pháp phù hợp để đồng hành cùng người bệnh trầm cảm trong quá trình điều trị lâu dài.
Nên làm gì khi người thân mắc Trầm cảm?
Trầm cảm là một bệnh lý về rối loạn tâm thần, có thời gian điều trị lâu dài. Trong quá trình điều trị, người thân và gia đình đóng một vai trò quan trọng giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh và rút ngắn quá trình điều trị.
1. Chuẩn bị tâm lý vững vàng để đồng hành cùng người bệnh trầm cảm
Đây là điều quan trọng đầu tiên khi chăm sóc một người bệnh trầm cảm. Bạn cần đọc, tìm hiểu về căn bệnh trầm cảm, thậm chí, có thể đến gặp một chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để được tư vấn và hiểu biết hơn về căn bệnh này.
Việc nắm rõ về bệnh trầm cảm, triệu chứng, những nguy cơ bệnh tật trong quá trình điều trị sẽ giúp bạn hiểu hơn về những gì mà người thân của mình đang trải qua. Có thể ngay chính bạn cũng khó chấp nhận và khó hiểu tại sao người thân của mình lại trở nên như vậy, nhưng việc tìm hiểu về căn bệnh này, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận và sẵn sàng để đồng hành cùng người bệnh.
Ngoài ra, việc tư vấn với bác sĩ giúp bạn hiểu rõ, hiểu đúng hơn về cân bệnh, có thêm kiến thức để chăm sóc người bệnh đúng cách. Đây là bước quan trọng để bạn chuẩn bị một "tâm lý vững vàng" cho quá trình điều trị lâu dài.
2. Đưa người bệnh đi khám
Việc đưa người bệnh đi khám, đôi khi không phải là điều dễ dàng. Nhưng đây là cách tốt nhất để giúp họ thoát khỏi trầm cảm.
Khám hoặc tư vấn với bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý để điều trị căn bệnh trầm cảm là điều vô cùng cần thiết. Mọi hình thức ép buộc thăm khám sẽ không hiệu quả và thậm chí là phản tác dụng khi điều trị trầm cảm.
Người bệnh trầm cảm nói riêng và bệnh về tâm lý, tâm thần nói chung sẽ có một chút ngại ngần khi phải đi khám. Bản thân họ khó chấp nhận rằng mình mắc bệnh, ngoài ra họ cũng tự ti và mặc cảm nên không muốn gặp người khác. Đặc biệt, nếu phải đi khám ở một bệnh viện lớn, có nguy cơ gặp nhiều người thì họ lại càng ngần ngại.
Một số cách để người bệnh trầm cảm đi khám mà người nhà có thể tham khảo:
- Khám và tư vấn từ xa qua video.
- Đặt hẹn trước với một bác sĩ và khám tại phòng khám riêng hoặc một nơi đủ kín đáo và an toàn.
- Đi khám cùng với người bệnh để họ biết rằng luôn có người bên cạnh tin tưởng và đồng hành cùng họ.
- Sử dụng dịch vụ khám tại nhà.
Về nội dung làm thế nào để người bệnh trầm cảm có thể hiểu về bệnh của mình và đi thăm khám, điều trị theo phác đồ của bác sĩ, BookingCare sẽ chia sẻ chi tiết trong bài viết tiếp theo, mời bạn đọc theo dõi.
3. Dành thời gian nhiều hơn
Dành thời gian nhiều hơn để tham gia các hoạt động bên ngoài cùng với người bệnh, tránh để họ một mình quá lâu dẫn đến nhiều suy nghĩ tiêu cực. Hoặc đơn giản là dành thời gian nghe họ tâm sự hay bất cứ lúc nào họ cần.
Việc này vừa giúp người bệnh ổn định tâm lý, cũng giúp bạn phát hiện sớm các dấu hiệu hay ý định làm tổn thương bản thân, thậm chí là tự tử của người bệnh trầm cảm. Nếu thực sự có những điều này, lựa chọn liên hệ với một chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý để hỗ trợ là phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên để họ có thời gian suy ngẫm môt mình nếu họ muốn, việc ép buộc quá cũng sẽ khiến mọi cố gắng giúp đỡ của bạn cũng trở nên vô nghĩa. Luôn nhớ rằng, chứng trầm cảm khiến người thân của bạn nhạy cảm hơn rất nhiều, họ dễ bị tổn thương, tự khép kín, đôi khi tự ti về bản thân mình.
Chuẩn bị đầy đủ kiến thức về bệnh trầm cảm là yếu tố đầu tiên và giúp ích cho bạn rất nhiều khi có người thân mắc bệnh.
Một số lưu ý quan trọng khi đồng hành cùng người bệnh trầm cảm
Ngoài những điều bên trên, một số lưu ý quan trọng sau đây sẽ hữu ích cho bạn:
- Bạn có thể cần chuẩn bị về thời gian và cả tài chính để đồng hành cùng người bệnh trầm cảm, vì vậy dù dành thời gian chăm sóc cho người bệnh, nhưng bạn cũng nên duy trì công việc để đảm bảo một nguồn tài chính ổn định.
- Nếu phù hợp, nên duy trì công việc của người bệnh, điều này cũng sẽ hỗ trợ họ một phần giảm những suy nghĩ tiêu cực.
- Với mỗi độ tuổi, bạn cần có cách ứng xử phù hợp để chăm sóc người bệnh trầm cảm:
- Trẻ vị thành niên: Cần kết hợp với giáo viên, nhóm bạn bè thân của trẻ để nắm rõ tình hình và cùng phối hợp trong quá trình giúp trẻ vượt qua trầm cảm.
- Phụ nữ sau sinh: Chia sẻ công việc chăm con và khuyến khích họ đi ra ngoài nhiều hơn.
- Người trẻ: Khuyến khích làm những công việc có ích mà họ cảm thấy thoải mái, tham gia các hoạt động thể thao.
- Người già: Dành thời gian nhiều hơn cho họ, cùng họ tham gia một số hoạt động bên ngoài, tập thể dục nhẹ nhàng hoặc các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi.
- Đôi khi họ cáu gắt hoặc trở nên bạo lực, hãy coi đó là những chuyện bình thường, bởi lúc này họ khó kiểm soát được cảm xúc của mình.
- Dành thời gian chăm sóc cho chính bạn để đảm bảo bạn có đủ sức khỏe chăm sóc cho người bệnh.
Trên đây là một số tổng hợp của BookingCare để bạn tìm hiểu nên làm gì khi người thân mắc trầm cảm. Có thể chưa trả lời được toàn bộ thắc mắc của bạn, mong rằng sẽ hữu ích phần nào đó. Ngoài ra, bạn có thể tìm đến các chuyên gia và bác sĩ tâm lý để được tư vấn cụ thể, phù hợp với từng đặc điểm và tình trạng của người bệnh.