Với những áp lực bạn phải trải qua trong cuộc sống, stress là điều khó tránh khỏi. Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài và không có sự thay đổi kịp thời thì có thể dẫn đến trầm cảm.
Điều kiện kinh tế, hoàn cảnh cuộc sống của mỗi người là không giống nhau, dù bị trầm cảm và chán nản với mọi thứ thì chúng ta vẫn cần làm việc. Vừa để có thu nhập trang trải cuộc sống, mà quan trọng hơn là công việc giúp ta có mối quan hệ xã hội, dần dần cải thiện tình trạng trầm cảm.
Một trong những khó khăn mà bất kỳ ai bị trầm cảm cũng đã từng trải qua, đó là sự ảnh hưởng đến công việc họ đang làm. Trầm cảm gây ra tình trạng:
Ngoài ra, trầm cảm có thể làm các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp trở nên tệ hơn ở một khía cạnh nào đó. Nhưng cũng có nhiều trường hợp mối quan hệ đồng nghiệp vẫn bình thường, nhưng bản thân người mắc trầm cảm luôn thu mình vì không tự tin trong giao tiếp, cảm thấy mọi người không thấu hiểu được mình hoặc không biết cách phản hồi để giải quyết mâu thuẫn.
Tuy nhiên, nhiều người trầm cảm không xảy ra bất kỳ vấn đề nào trong mối quan hệ đồng nghiệp nhưng họ phải tạo lớp mặt nạ vui vẻ khi giao tiếp với mọi người khiến rối loạn trầm cảm trở nên trầm trọng hơn.
Ví dụ, khi không hoàn thành công việc, việc bị nhắc nhở (đôi khi là khiển trách) là điều hoàn toàn bình thường, vẫn diễn ra ở các công ty. Với những người có tâm lý ổn định, họ sẽ coi đó là động lực phấn đấu và cải thiện trong thời gian tới. Nhưng với người bị trầm cảm, có thể họ sẽ luôn nghĩ ngợi về chuyện này, cho rằng đây là áp lực lớn và không thể vượt qua, họ có xu hướng đổ lỗi cho bản thân và bế tắc thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực..
Không ít người vẫn còn băn khoăn rằng "bị trầm cảm thì có thể và có nên đi làm hay không?". Hàng tháng có đến 1000 lượt tìm kiếm vấn đề này trên internet, chứng tỏ rằng đây thực sự là "nỗi đau" của rất nhiều người.
Khi bạn tìm kiếm và đọc được bài viết này, có lẽ bạn đã và đang gặp khó khăn trong vấn đề công việc. Có phải bạn cảm thấy khó hòa nhập với đồng nghiệp? Công việc quá mệt mỏi? Bạn khó có thể làm tốt nhiệm vụ được giao? Hay chỉ đơn giản là bạn không có hứng thú đi làm...
Dù là trầm cảm hay bất kỳ bệnh lý Tâm thần nào khác, điều bạn cần làm là hiểu chính mình. Hãy nhớ lại mình của ngày xưa thế nào, điều gì khiến mình trầm cảm, mình cảm thấy điều khó khăn nhất khi đi làm là gì?
Kể cả bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, hay chuyên gia Tâm lý, BookingCare hay kể cả những người xung quanh đều khó có thể trả lời chính xác cho bạn nên làm thế nào.
Điều quan trọng và cần thiết nhất, là bạn cần hiểu những lợi ích và bất cập khi đi làm trong giai đoạn trầm cảm. Kết hợp với thế mạnh và sở thích của bản thân để có quyết định đúng đắn nhất.
Có thu nhập, tự trang trải được cuộc sống
Thực tế mà nói, cuộc sống này phụ thuộc rất nhiều vào tiền bạc. Nếu đi làm, bạn sẽ có một khoản chi phí hàng tháng, gánh nặng cơm áo gạo tiền sẽ bớt đi rất nhiều. Không ít người bỏ việc vì cảm thấy không có động lực đi làm, kéo theo đó là khó khăn về kinh tế, như vậy càng khiến cuộc sống của họ thêm áp lực, bi quan.
Tập trung cho công việc, sẽ hạn chế thời gian suy nghĩ tiêu cực
Nếu mỗi ngày đi làm 8 tiếng, cố gắng tập trung cho công việc sẽ giúp người bệnh giảm thiểu việc nghĩ ngợi về những chuyện buồn bã, bi quan. Nếu một ngày bạn chỉ ở nhà, không giao tiếp với ai, cũng không có việc gì làm thì càng thêm mệt mỏi, suy nghĩ nhiều.
Nếu cố gắng, bạn sẽ cởi mở hơn và có người chia sẻ, lắng nghe
BookingCare hiểu rằng, nhiều khi bạn cảm thấy tách biệt với môi trường làm việc, thấy cô đơn và ngại giao tiếp. Nhưng nếu chúng ta ý thức rằng nên thay đổi để cải thiện tình trạng trầm cảm, thì 2 cách hiệu quả nhất là chia sẻ với người thân và trò chuyện với bạn bè đồng nghiệp.
Sau giờ làm, đừng lủi thủi về nhà, thỉnh thoảng hãy tụ tập bạn bè, đồng nghiệp đi ăn uống, đi chơi, xem phim... để giải tỏa tâm trạng. Tuy nhiên, dù bạn thử rất nhiều cách giải tỏa/ giải trí nhưng tâm trạng sau khi về lại trầm xuống và suy nghĩ tiêu cực không ngừng hiện lên thì bạn cần tìm đến nhà tham vấn hoặc nhà trị liệu tâm lý vì lúc này bạn cần người đồng hành cùng vượt qua cơn trầm cảm này. Xem thêm: Thoát khỏi trầm cảm bằng cách nào?
Công việc là một phần cuộc sống
Với nhiều người, công việc là đam mê, là cuộc sống. Nếu tìm được đúng việc mình yêu thích, thì sẽ giống như "bạn không cần đi làm một ngày nào cả" mà là đang tận hưởng nó, tận hưởng những gì mình thích.
Tùy mức độ trầm cảm và đặc thù công việc của mỗi người mà sự khó khăn sẽ khác nhau, nhưng chung quy lại, BookingCare nhận thấy bao gồm những vấn đề sau:
Mệt mỏi, không có hứng thú để làm việc
Đây là một trong những lý do điển hình khiến nhiều người bỏ công việc hiện tại. Tình trạng mệt mỏi thường là triệu chứng của bệnh, nhưng cũng có thể do mất ngủ kéo dài ở bệnh nhân trầm cảm.
Hơn cả, việc tìm kiếm công việc đam mê là dùng cả đời để trải nghiệm. Nếu bạn cảm thấy tính chất công việc hiện tại không phù hợp với giá trị sống của bản thân hoặc tính chất công việc yêu cầu cường độ làm việc cao luôn khiến bạn mệt mỏi,... thì bạn dành thời gian định hướng nghề nghiệp lại cho bản thân. Việc hướng nghiệp gây cho bạn hoang mang thì bạn có thể tìm kiếm các nhà tham vấn tâm lý hỗ trợ ngắn hạn cho bạn.
Cảm thấy công việc quá khó để hoàn thành
Một số ít là do tính chất công việc khó, còn chủ yếu là do ảnh hưởng của bệnh trầm cảm. Những người trầm cảm thường suy nghĩ tiêu cực, bi quan, bế tắc, nên thường cảm thấy khó khăn trong công việc.
Khó tập trung, tình trạng "quên quên, nhớ nhớ"
Tuy không gặp ở tất cả, nhưng cũng có nhiều người bệnh than rằng trí nhớ giảm sút so với trước đây. Khả năng tập trung suy giảm lớn khi mắc trầm cảm do đó sẽ gây ra những hậu quả cho công việc đang làm, làm gia tăng áp lực cho công việc hiện tại.
Suy nghĩ tiêu cực về các mối quan hệ đồng nghiệp
Nếu bạn có những nghi ngờ và tin rằng mình bị cô lập ở môi trường làm việc, bị mọi người ghét bỏ, bị coi thường... Cũng có thể là sự thật, nhưng cũng có thể là do dòng suy nghĩ tiêu cực không kiểm soát được trong tâm trí của bạn.
Có thể thấy, lợi ích của công việc lớn hơn nhiều so với việc bạn chỉ ở nhà và không làm gì cả.
Lưu ý: bạn có thể ở nhà nghỉ ngơi trong một thời gian, nếu ở nhà có người chia sẻ, bạn có chương trình điều trị cụ thể (có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh và chuyên gia Tâm lý) và khả năng kiểm soát cảm xúc đang dẫn tốt lên.
Bạn hoàn toàn có thể đi làm việc bình thường, tùy vào mức độ trầm cảm và tính chất công việc, môi trường làm việc (đánh giá mức độ độc hại) kết hợp với điều trị trầm cảm bằng những cách sau:
Cũng như tất cả các vấn đề về sức khỏe khác, nếu bị trầm cảm việc bạn cần làm bây giờ chính là tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ có chuyên môn. Cụ thể, các bác sĩ Tâm thần hoặc nhà Trị liệu tâm lý là những người khả năng cung cấp cho bạn lời giải thích rõ ràng nhất về tình trạng của bạn hiện tại, từ đó tư vấn cho bạn các phương thức cải thiện phù hợp.