Người bệnh cao huyết áp có phải uống thuốc suốt đời không?
Người bệnh cao huyết áp có phải uống thuốc suốt đời không?
Người bệnh cao huyết áp có phải uống thuốc suốt đời không? - Ảnh: BookingCare

Người bệnh cao huyết áp có phải uống thuốc suốt đời không?

Tác giả: - Xuất bản: 05/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Bị cao huyết áp có phải uống thuốc suốt đời hay không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề này.

Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị tăng huyết áp là điều trị lâu dài nếu không muốn nói là “suốt đời”. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân không tuân thủ điều trị theo nguyên tắc này vì chủ quan cảm thấy mình không có biểu hiện gì bất thường. Hoặc vì e ngại các tác dụng phụ của thuốc khi dùng lâu dài nên dễ tự ý ngừng thuốc khi thấy huyết áp đã trở về mức ổn định. 

Thực tế cho thấy, việc người bệnh tự ý ngừng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ là một hành động nguy hiểm gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. 

Người bệnh cao huyết áp có được ngừng thuốc không và có thể ngừng thuốc khi nào?

Thuốc trị tăng huyết áp thường được dùng suốt đời. Tuy nhiên, việc dừng thuốc điều trị huyết áp có an toàn hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây tăng huyết áp của người bệnh. Các yếu tố góp phần gây ra huyết áp cao thường rơi vào hai loại: có thể thay đổi được và không thể thay đổi được. 

Một số người bệnh có thể ngừng dùng thuốc bằng cách giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây ra huyết áp cao mà có thể thay đổi được. Ví dụ như:

  • Các vấn đề liên quan đến chế độ ăn uống đặc biệt là chế độ ăn nhiều muối và dầu mỡ,...
  • Cơ thể ít vận động
  • Uống nhiều rượu bia và các chất kích thích
  • Thừa cân, béo phì
  • Stress, lo âu

Thay đổi các vấn đề liên quan đến lối sống này có thể giúp người bệnh loại bỏ những rủi ro biến chứng và kiểm soát huyết áp mà không cần dùng thuốc. 

Người bệnh tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc. Cần thăm khám lại để bác sĩ biết được tình trạng và kê đơn thuốc điều trị phù hợp.

Những trường hợp người bệnh cao huyết áp phải dùng thuốc điều trị suốt đời

Với những bệnh nhân mắc bệnh do những yếu tố không thể thay đổi được, ngay cả khi thay đổi lối sống, việc ngừng sử dụng thuốc  là điều không thể. 

Những nguyên nhân gây cao huyết áp không thể can thiệp ví dụ như:

  • Bệnh thận mãn tính
  • Bệnh tiểu đường
  • Mắc bệnh do di truyền
  • Tuổi cao
  • Rối loạn tuyến giáp, ung thư

Trong quá trình uống thuốc, chỉ số huyết áp trở về bình thường là nhờ vào việc người bệnh uống thuốc đều đặn hàng ngày. Do vậy, người bệnh không được tự ý ngừng dùng thuốc điều trị khi huyết áp đã ổn định. Nếu muốn thay đổi sang loại thuốc khác, phải hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.

Những rủi ro khi người bệnh tự ý ngưng sử dụng thuốc

Khi người bệnh tự ý ngừng thuốc, huyết áp sẽ trở lại mức cao như ban đầu thậm chí là nghiêm trọng hơn. Đây là thời điểm dễ xảy ra các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Nguyên nhân là do tăng huyết áp trong thời gian dài đã làm cho thành mạch máu yếu đi, xơ vữa và kém đàn hồi. 

Chính vì thế, khi huyết áp tăng cao đột ngột trở lại, thành mạch dễ dàng nứt vỡ, tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ,... 

Dưới đây là một vài biến chứng nguy hiểm mà người bệnh dễ gặp phải khi tự ý ngừng sử dụng thuốc:

  • Tổn thương động mạch
  • Rối loạn cương dương
  • Suy tim, suy thận
  • Tăng nguy cơ phình động mạch, bệnh động mạch vành, đột quỵ
  • Bệnh võng mạc và các vấn đề về mắt thậm chí là mù lòa

Như ở phần trên đã nói, nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị tăng huyết áp là điều trị lâu dài, suốt đời. Vì vậy, dù huyết áp có trở lại mức bình thường, người bệnh vẫn phải theo dõi thường xuyên và uống thuốc đều đặn để có thể đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết