Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, với người bệnh mỡ máu cao, việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm cholesterol xấu trong máu và cải thiện sức khỏe tim mạch. Việc lựa chọn thực phẩm, xây dựng thực đơn hàng ngày do vậy đóng vai trò quan trọng. Vậy người bệnh mỡ máu cao có nên sử dụng đậu nành? Và đậu nành có giúp giảm cholesterol?
Đậu nành có giúp giảm cholesterol?
Theo một nghiên cứu, trung bình, ăn 25 gam protein đậu nành mỗi ngày, trong khoảng thời gian sáu tuần, làm giảm mức cholesterol xấu LDL khoảng 3% đến 4% - đây là một lượng nhỏ nhưng vẫn đáng kể.
Bạn có thể sử dụng các thực phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành, bánh mì kẹp thịt chay cũng như bột protein đậu nành. Khoảng 3½ cốc sữa đậu nành hoặc một muỗng lớn bột protein đậu nành tương đương với 25 gam protein đậu nành.
Mặc dù sử dụng thực phẩm làm từ đậu nành có thể làm giảm nhẹ lượng cholesterol xấu LDL, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo rằng chỉ riêng đậu nành không đủ làm giảm cholesterol để tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe của người bệnh.
Tuy nhiên, ăn thực phẩm làm từ đậu nành vẫn có thể tốt cho bạn vì thực phẩm làm từ đậu nành có ít chất béo bão hòa hơn thịt. Thực phẩm làm từ đậu nành cũng cung cấp các chất dinh dưỡng hữu ích khác, chẳng hạn như chất béo tốt, được gọi là chất béo không bão hòa đơn, vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Đậu nành cũng là nguồn cung cấp protein, chất xơ và omega-3 tốt cho tim mạch (mặc dù không giống loại omega-3 trong cá hồi hoặc cá ngừ). Ngoài ra, đậu nành tự nhiên không chứa cholesterol và ít chất béo bão hòa .
Sử dụng đậu nành như thế nào cho hiệu quả?
Không có lợi ích nào được chứng minh khi bổ sung chất bổ sung isoflavone đậu nành ( Isoflavones là một hoạt chất được chiết xuất từ đậu nành) vào chế độ ăn uống. Thay vào đó, hãy sử dụng các thực phẩm từ đậu nành nguyên hạt.
- Nước tương và dầu đậu nành không chứa protein đậu nành, mặc dù "đậu nành" là một phần trong tên gọi.
- Đọc nhãn dinh dưỡng. Hãy đảm bảo rằng các sản phẩm đậu nành bạn mua cũng chứa ít chất béo bão hòa, cholesterol, muối và đường bổ sung.
Ngoài ra, một số người lo ngại rằng ăn nhiều đậu nành có thể có tác động tiêu cực đến nội tiết tố, đặc biệt là đối với nam giới. Có một số tranh cãi về chủ đề này. Tùy vào tình trạng người bệnh, có các bệnh đồng mắc hay không, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết về lượng đậu nành bạn nên đưa vào chế độ ăn uống của mình.