Người bệnh tiểu đường có nên dừng thuốc khi đường huyết ổn định không?

Tác giả: - Xuất bản: 28/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Người bệnh tiểu đường có nên dừng thuốc khi đường huyết ổn định không?
Người bệnh tiểu đường có nên dừng thuốc khi đường huyết ổn định không? - Ảnh: BookingCare
Khi nào người bệnh nên tạm ngừng thuốc, những tác hại khi tự ý ngừng thuốc là gì, người bệnh nên ngừng thuốc trong bao lâu,... Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Đường huyết đã ổn định có được phép ngừng thuốc hay không là câu hỏi của nhiều người bệnh tiểu đường. Trên thực tế, nếu người bệnh ngừng sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ thì điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh cũng như gây khó khăn, gián đoạn trong quá trình điều trị.

Người bệnh tiểu đường có thể ngừng thuốc khi nào?

Người bệnh chỉ nên giảm liều hoặc tạm dừng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ và cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt nghiêm ngặt theo yêu cầu để giữ các chỉ số ổn định. Đặc biệt, khi ngừng thuốc, người bệnh phải thường xuyên tự theo dõi đường huyết tại nhà và khám sức khỏe định kỳ.

Dùng thuốc trong một thời gian dài cũng khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Trên thực tế, người bệnh tiểu đường không nhất thiết phải uống thuốc suốt đời. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc cho bệnh nhân giảm liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc hạ đường huyết.

Một số loại thuốc không phù hợp với người bệnh, khiến cơ thể thường xuyên bị hạ đường huyết. Các triệu chứng thường gặp như: tê bì chân tay, chóng mặt, nhức đầu, hay cảm thấy đói, mệt mỏi,... người bệnh có thể đến gặp trực tiếp bác sĩ để được kiểm tra và thay đổi thuốc hoặc ngừng thuốc nếu cần.

Người bệnh có khả năng được bác sĩ chỉ định tạm dừng thuốc khi các chỉ số giữ được ở mức bình thường. Các chỉ số đường huyết ổn định bao gồm: 

  • HbA1c < 6,5%
  • Đường huyết lúc đói < 6 mmol/l, 
  • Đường huyết sau ăn 2h < 6 mmol/l 7,8 mmol/l 
  • Thời gian duy trì các chỉ số này kéo dài trong ít nhất 6 tháng liên tục

Tóm lại, người bệnh không được tự ý ngừng thuốc khi đang trong quá trình điều trị mà chưa có sự kiểm tra và đồng ý của bác sĩ. Việc này có thể đem đến nhiều rủi ro không mong muốn.

Tác hại khi người bệnh tiểu đường tự ý ngừng sử dụng thuốc

Không thể chỉ căn cứ vào triệu chứng bệnh hay là chỉ số đường huyết để đưa ra kết luận là bệnh tình đã ổn định. Bệnh tiểu đường không chỉ liên quan đến rối loạn đường huyết mà còn liên quan đến quá trình chuyển hóa đạm, mỡ.

Ngừng thuốc khiến đường huyết sẽ tăng dần, người bệnh khó nhận biết. Đến lúc đường huyết tăng quá cao, người bệnh gặp các biến chứng cấp tính như tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm toan ceton dẫn đến hôn mê... thậm chí nguy hiểm tính mạng. Sau khi điều trị qua nguy kịch, người bệnh có thể bị các di chứng ở não. Hơn nữa, khi ngưng thuốc, đường huyết không ổn định (lúc lên cao, lúc xuống thấp) diễn ra trong thời gian dài gây tổn thương mạch máu, dẫn đến các biến chứng mạn tính như:

  • Bệnh tim mạch
  • Đột quỵ
  • Suy thận
  • Các vấn đề về thị lực
  • Tổn thương thần kinh
  • Bệnh về nướu

Nếu thời gian ngừng thuốc diễn ra quá lâu, người bệnh có thể chủ động đến gặp bác sĩ kiểm tra sức khỏe để biết có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay không.

Tự ý dừng uống thuốc tiểu đường là hành động rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Nếu tình trạng đã ổn định hơn, bạn vẫn nên thăm khám định kỳ,  tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để được đưa ra chỉ định phù hợp, lời khuyên chính xác nhất.