Người bị bệnh vẩy nến nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Người bị bệnh vẩy nến nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Người bệnh vẩy nến nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Người bệnh vẩy nến nên ăn gì và kiêng ăn gì? - Ảnh: BookingCare

Người bị bệnh vẩy nến nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp người mắc bệnh vẩy nến kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Cùng tìm hiểu những loại thực phẩm người bệnh vẩy nến nên ăn và nên tránh trong bài viết dưới đây.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bên cạnh một số loại thực phẩm tốt cho người bệnh vẩy nến, giúp lành da và đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Người bệnh nên tránh các loại thực phẩm chứa các thành phần xấu, cản trở quá trình điều trị bệnh.

Thực phẩm người bệnh vẩy nến nên ăn

Trái cây và các loại rau

Chất chống oxy hóa là chìa khóa vàng giúp chống viêm hiệu quả, giúp bảo vệ tế bào và làm chậm tổn thương tế bào gây ra bởi các gốc tự do. 

Trái cây và rau quả có nhiều chất chống oxy hóa, chứa carbohydrate phức tạp với hàm lượng chất xơ cao (tốt cho hệ vi sinh vật đường ruột). Đồng thời có nhiều vitamin và các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể giúp kiểm soát tình trạng viêm nhiễm do bệnh vẩy nến. 

Dưới đây là một vài ví dụ về các loại rau củ quả với hàm lượng chất xơ cao mà người bệnh vẩy nến có thể tham khảo:

  • Các loại quả mọng, ví dụ như: nho, cherry, dâu tây, việt quất,... có chứa chất chống oxy hóa gọi là anthocyanin giúp giảm viêm hiệu quả. Trong đó, nho cũng chứa một hợp chất gọi là resveratrol, có thể làm giảm viêm.
  • Các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ trắng và cải xoăn. Đặc biệt, bông cải xanh rất giàu sulforaphane, một chất chống oxy hóa giúp giảm viêm.
  • Quả anh đào chua, có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm ( ngoài ra cũng có thể làm giảm huyết áp tâm thu và cholesterol LDL). 

Nghệ

Thành phần của nghệ chứa một loại polyphenol gọi là curcumin, có đặc tính chống viêm mạnh mẽ.

Chất curcuminoids trong tinh bột nghệ giúp cải thiện lưu thông máu, đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương. Giải pháp tự nhiên này phù hợp với hầu hết các chấn thương về thể chất.

Công dụng của nghệ giúp kháng khuẩn và chống viêm trên da. Vì vậy, nó được sử dụng như một loại thuốc để điều trị các mảng viêm da, mẩn đỏ, ngứa và các bệnh nhiễm trùng do nấm trong đó có bệnh vẩy nến.

Cá béo và các loại dầu tốt cho tim

Các loại cá như cá hồi, cá trích, cá thu, cá ngừ, cá tuyết và cá mòi có nhiều chất béo tốt cho sức khỏe được gọi là omega-3. Omega-3 có đặc tính chống viêm có thể giúp kiểm soát bệnh vẩy nến hiệu quả. Sử dụng cá béo thay cho các loại thịt đỏ, trứng, sữa.

Người bệnh nên đặt mục tiêu ăn hai khẩu phần cá mỗi tuần để đạt được lợi ích chống viêm cũng như nhiều lợi ích khác cho sức khỏe tim mạch.

Bên cạnh các loại dầu cá chứa nhiều Omega-3, người bệnh vẩy nến có thể sử dụng các loại dầu khác như dầu dừa, dầu oliu,.., thay cho các loại mỡ từ động vật đặc biệt là mỡ heo.

Thực phẩm giàu kẽm

Kẽm làm tăng cường khả năng miễn dịch, chống các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có bệnh vảy nến. Các thực phẩm như các loại ngũ cốc thô, ngũ cốc qua sơ chế (yến mạch, gạo lức, hạt quinoa), các loại đậu, hải sản (nghêu, sò, ốc, hàu…), gan, thịt đỏ, trứng, sữa tươi, sữa chua, các loại rau, củ và trái cây (nấm, rau chân vịt, xúp lơ xanh, cải xoăn, tỏi,..)… rất giàu kẽm. Đây là một nguồn dinh dưỡng rất tốt cho người bệnh vảy nến.

Thực phẩm giàu folate (axit folic): Folate cũng giữ vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể, ngăn chặn sự hình thành leukotriene – nguyên nhân khiến bệnh vảy nến trầm trọng hơn. Folate có nhiều trong các loại thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau có màu xanh sẫm, các loại đậu và ngũ cốc

Thực phẩm người bệnh vẩy nến không nên ăn

Thực phẩm chứa gluten

Trong nhiều nghiên cứu, gluten được chứng minh là có liên quan tới sự bùng phát của bệnh vẩy nến và một loại biến chứng của bệnh vẩy nến có tên gọi là Celiac.

Gluten được tìm thấy nhiều trong lúa mạch, lúa  mì,... và một số loại thực phẩm nhiều tinh bột khác.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cắt giảm hoặc loại bỏ các thực phẩm chứa gluten khỏi chế độ ăn giúp cải thiện tình trạng bệnh vẩy nến một cách rõ rệt.

Các loại thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm đã qua chế biến sẵn chứa nhiều calo và có khả năng gây ra rối loạn chuyển hóa và các bệnh mãn tính khác. Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể dẫn đến tình trạng vảy nến lan rộng trên toàn cơ thể.

Những loại thực phẩm người bệnh vẩy nến cần tránh bao gồm: các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm có nồng độ muối, đường và chất béo cao.

Chất kích thích (Bia, rượu, thuốc lá, cà phê...)

Các chất kích thích có thể gây nóng và gây tổn hại cho các cơ quan bên trong cơ thể, làm chậm quá trình thanh lọc và loại bỏ chất độc, từ đó gây tác động viêm nhiễm trên da. Ngoài ra, các chất kích thích có thể làm giảm hiệu quả của thuốc và ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.

Thực phẩm chứa nhiều đường

Người bệnh vẩy nến cần giảm lượng đường trắng đã qua tinh chế cũng như frutose, đường từ ngô, mật ong và các chất làm ngọt khác. Hạn chế bánh kẹo,nước ngọt, nước hoa quả ngọt và các loại hoa quả chứa nhiều đường.

Đường không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường mà còn làm chậm quá trình hồi phục vết thương và tăng khả năng gây viêm.

Xây dựng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh giúp người bệnh vẩy nến đạt được hiểu quả tốt nhất trong quá trình điều trị. Để có thể biết thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh vẩy nến, bạn đọc có thể truy cập tại Cẩm nang sức khỏe của BookingCare.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết