Người bị trầm cảm nên làm những công việc gì phù hợp? - Kỳ 2
Người bị trầm cảm nên làm những công việc gì phù hợp? - Kỳ 2
Nhiều người có xu hướng chọn công việc ít giao tiếp để cảm thấy bớt áp lực
Nhiều người có xu hướng chọn công việc ít giao tiếp để cảm thấy bớt áp lực - Ảnh gốc: verywellmind

Người bị trầm cảm nên làm những công việc gì phù hợp? - Kỳ 2

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 06/04/2021 | Cập nhật lần cuối: 10/01/2024
Tùy theo chuyên môn, trình độ học vấn và sở thích của bản thân mà sẽ có những lựa chọn công việc khác nhau. Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng sẽ đưa ra một số gợi ý về một số ngành nghề dưới đây, hy vọng có thể giúp bạn dễ dàng lựa chọn hơn. 

Nếu bạn đã đọc bài viết trong Kỳ 1 về chủ đề "bị trầm cảm có nên đi làm không", có lẽ sẽ nhớ những lợi ích của công việc mang lại là gì. Dù biết đi làm khi bị trầm cảm sẽ có khó khăn, áp lực, nhưng nếu biết cách thì nó sẽ hỗ trợ đắc lực trong quá trình vượt qua trầm cảm của chính bạn. 

Tiếp tục chủ đề này, hôm nay Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng sẽ cung cấp và chia sẻ thông tin và gợi ý một số công việc, phân nhóm công việc phù hợp với những bạn đang mắc trầm cảm dưới đây.

THÔNG TIN CHUYÊN GIA TÂM LÝ TRẦN THỊ TUYẾT HỒNG

  • Chuyên gia Tâm lý sàng trẻ em & vị thành niên
  • Chuyên viên tham vấn & trị liệu tâm lý, Chuyên viên tham vấn hướng nghiệp, Công ty TNHH Phát triển Tâm lý, Giáo dục và Truyền thông ứng dụng Việt Nam (VECAB) (2019 - nay)
  • Chuyên viên tham vấn tâm lý học đường,  Trường THCS &THPT Lương Thế Vinh – HN (2018 - 2019)

Xu hướng lựa chọn công việc ở những người trầm cảm 

Để hiểu hơn tâm lý người bệnh về vấn đề này, BookingCare đã có một cuộc khảo sát với câu hỏi "Bạn mong muốn một công việc như thế nào". Có rất nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra, những chung quy lại, sẽ có 2 luồng ý kiến sau: 

  • Nhóm 1: Làm những việc bình lặng, ít giao tiếp để cảm thấy thoải mái khi đi làm
  • Nhóm 2: Làm những việc năng động, đòi hỏi giao tiếp để giúp mình thoát khỏi trầm cảm nhanh hơn

Cả 2 lựa chọn này đều có những lý do hợp lý. Điều quan trọng là bạn cần thực sự hiểu bản thân mình bao gồm những mặt: những công việc có niềm yêu thích/ hứng thú; điểm mạnh/ năng lực bạn đã hoặc đang có; giá trị sống mà bạn hướng đến để quyết định môi trường làm việc phù hợp; tính cách như hướng nội hay hướng ngoại. Cách thức để hiểu bản thân cũng cần được học từ nhỏ và không phải ai biết rõ mình là ai đặc biệt là người trầm cảm.

1. Công việc ít giao tiếp

Có thể nói, đây là sự lựa chọn an toàn cho hầu hết những ai mắc trầm cảm. Khi đi làm, mọi người thường cảm thấy mệt mỏi, khó hoàn thành công việc, áp lực về môi trường và đồng nghiệp... 

Khi chọn công việc ít giao tiếp, bạn chỉ cần tập trung vào việc của mình, không cần quan tâm và tương tác nhiều với những người khác. Ưu điểm lớn nhất là bạn sẽ giảm bớt căng thẳng, áp lực, cuộc sống nhẹ nhàng hơn - là điều mà bất kỳ ai mắc trầm cảm cũng mong muốn. 

Nhưng có thể cuộc sống bình lặng quá, khi bạn cảm thấy mình cô đơn và lạc lõng thì lúc đó bạn có thể tìm kiếm thêm các hoạt động để kết nối với người khác, không cần trở nên là người quảng giao mà hãy cho một vài người có cơ hội tiếp cận và hiểu bạn.

2. Công việc năng động, cần giao tiếp thường xuyên 

Chắc hẳn bạn rất dũng cảm mới dám lựa chọn những công việc năng động và đòi hỏi giao tiếp. Có thể bạn sẽ thấy hơi "ngược đời" khi có những người chọn giải pháp này. Vậy thì tại sao?

Nếu bạn xác định rõ và dũng cảm đối mặt với khó khăn, áp lực thì những công việc giao tiếp nhiều sẽ giúp cải thiện rất nhiều tình trạng trầm cảm. Đặc thù công việc đòi hỏi bạn phải cởi mở, nói chuyện nhiều hơn, lâu dần nó sẽ tạo thành thói quen giúp bạn thoát khỏi trầm cảm, hoặc đơn giản là có thể sẽ tìm được người đồng cảm với mình. Bạn không cần ép bản thân khi đã cố gắng hòa nhập với mọi người mà không thể thì bạn cân nhắc mình có thể thuộc nhóm 1.

Ngoài ra, nếu chưa sẵn sàng cho công việc, bạn có thể bắt đầu ở vị trí thấp và tăng dần lên. Ví dụ, làm nhân viên parttime (4-5 tiếng/ ngày), hoặc làm ở vị trí nhân viên (thay vì làm quản lý)...

Lựa chọn công việc phù hợp với thế manh và sở thích
Hãy lựa chọn công việc phù hợp với năng lực và sở thích của mình để giảm căng thẳng stress ở môi trường làm việc

Tham khảo một số công việc gợi ý

Tùy theo chuyên môn, trình độ học vấn và sở thích của bản thân mà sẽ có những lựa chọn khác nhau. Tuy không thể bao quát được tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, nhưng dưới đây là một số gợi ý, hy vọng có thể giúp bạn dễ dàng lựa chọn hơn. 

Một số công việc ít giao tiếp Một số công việc cần giao tiếp nhiều
Nhân viên lưu trữ, hoặc làm việc trong thư viện, bảo tàng  Nhân viên kinh doanh: Nhân viên kinh doanh cho công ty đòi hỏi giao tiếp rất nhiều, giao tiếp trực tiếp hoặc giao tiếp qua điện thoại
Nhân viên bán hàng trong siêu thị, nhà sách Kinh doanh bất động sản
Nhân viên, CTV quản lý mạng xã hội Chăm sóc khách hàng, dịch vụ khách hàng
Kỹ thuật viên, thợ cơ khí Tư vấn bán hàng
Lập trình viên IT, phát triển phần mềm  Truyền thông, quan hệ công chúng 
Họa sĩ, nhà văn, nhà thơ Tổ chức sự kiện 
Đầu bếp, nhân viên pha chế  Hướng dẫn viên du lịch
Kế toán, hành chính văn phòng  Phóng viên, nhà báo
Nhân viên, CTV viết bài website  Giáo viên
Thiết kế, kiến trúc sư  Bác sĩ, y tá
Biên dịch, dịch thuật  Tư vấn tuyển sinh
Chăm sóc động vật, thú cưng  Nhân viên môi giới 
Làm việc theo dây chuyền tại các nhà máy, khu công nghiệp (xưởng may, giày dép, chăn, dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử...) Một số vị trí tại ngân hàng (giao dịch viên, tư vấn tài chính, tín dụng...)
Nhân viên tại kho  Lễ tân, bộ phận tiếp đón 
Nhân viên bảo vệ (bảo vệ tại cửa hàng, chung cư, ngân hàng, công ty...) Nhân viên phục vụ bàn, hướng dẫn chọn món
Làm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia công có thể làm tại nhà  Luật sư, những người làm về luật pháp.
Bán đồ ăn online (làm tại nhà và bán trên các ứng dụng đặt đồ ăn)  
Chăn nuôi trang trại, trồng hoa màu (nếu làm có quy mô thì thu nhập khá cao)  

Cũng như tất cả các vấn đề về sức khỏe khác, nếu bị trầm cảm việc bạn cần làm bây giờ chính là tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ có chuyên môn. Bác sĩ Tâm thần là người duy nhất có quyền kê đơn hoặc cho thuốc, chẩn đoán chính xác. Bác sĩ Tâm thần hoặc Chuyên gia Tâm lý sẽ giải thích rõ ràng nhất về tình trạng hiện tại, từ đó tư vấn các phương thức cải thiện phù hợp. 

Bằng những trải nghiệm thực tế của mình, hãy cùng BookingCare hoàn thiện bảng gợi ý công việc trên đây để những người về sau tham khảo nhé. Chúc bạn sớm tìm được công việc ưng ý và phù hợp. 

Nội dung chuyên môn bài viết trên đây được cung cấp và chia sẻ bởi Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết