Bệnh đái tháo đường típ 1 là hiện tượng tuyến tụy trong cơ thể bị phá hủy nên không còn khả năng sản sinh ra insulin để điều hòa lượng đường trong máu. Có nhiều nguyên nhân phức tạp dẫn đến tình trạng này. Việc điều trị bệnh lý này cũng rất phức tạp, cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của các bác sĩ Nội tiết về chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như sử dụng thuốc.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường típ 1
Bệnh đái tháo đường típ 1 được cho là do phản ứng tự miễn của cơ thể, làm phá hủy các tế bào trong tuyến tụy tạo ra insulin, được gọi là tế bào beta. Quá trình này có thể diễn ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi có bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện.
Yếu tố di truyền cũng được coi là một trong các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường típ 1. Theo Trung tâm đái tháo đường Joslin, nếu một người thân trong gia đình của bạn (cha, mẹ, anh chị em, con trai hoặc con gái) mắc bệnh đái tháo đường loại 1 thì nguy cơ phát triển bệnh này ở bạn gấp khoảng 10 đến 20 lần so với nguy cơ của dân số chung. Do đó, nếu bạn có người thân bị đái tháo đường típ 1, hãy đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt để kịp thời phát hiện và chữa trị.
Ngoài các yếu tố về di truyền, các yếu tố về ngoại cảnh như môi trường, địa lý cũng có thể gây nên đái tháo đường típ 1 như:
- Người từng tiếp xúc với virus Coxsackie, Rubella khiến các tế bào beta ở tụy bị phá hủy, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
- Cư dân ở các quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển hay Sardinia được nghiên cứu là có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn
Phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường típ 1
Để điều trị bệnh đái tháo đường típ 1 cần kết hợp các biện pháp sau:
- Tiêm insulin đúng liều và thời gian: Người bệnh đái tháo đường típ 1 thường phải tiêm insulin để duy trì đường huyết ổn định. Việc tiêm insulin theo đúng liều và thời gian rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết nguy hiểm.
- Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên: Tùy vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các thời điểm kiểm tra máu hàng ngày cho người bệnh. Một số thời gian trong ngày thường được dùng để chỉ định để kiểm tra đường huyết bao gồm: sau khi thức dậy, trước khi ăn, sau khi ăn 1-2 tiếng, trước khi đi ngủ,...
- Tăng cường nạp thực phẩm lành mạnh, ít ảnh hưởng đến đường huyết: các loại rau củ quả, trái cây giàu chất xơ; tinh bột chưa qua tinh chế; thực phẩm giàu chất béo tốt; đạm thực vật hoặc đạm từ thịt trắng của động vật,... Những loại thực phẩm này đều có chỉ số GI (chỉ số đường huyết của thực phẩm) thấp, khi nạp vào cơ thể sẽ không khiến đường huyết bị tăng cao
- Tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất giúp cải thiện đáp ứng insulin và kiểm soát đường huyết. Tập các bài tập đơn giản, như đi bộ, bơi lội, hoặc tham gia các lớp tập luyện thể dục thể thao nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Chăm sóc sức khỏe tổng thể: Điều trị bệnh đái tháo đường không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát đường huyết. Bạn cần duy trì sức khỏe tổng thể bằng cách duy trì cân nặng lý tưởng, kiểm soát áp lực máu và cholesterol
- Thăm khám thường xuyên: Thực hiện thăm khám định kỳ để bác sĩ theo dõi được hiệu quả sau từng mốc thời gian điều trị và có phương án điều chỉnh lại sao cho hợp lý
Rất khó để xác định nguyên nhân chính xác của bệnh đái tháo đường típ 1. Việc điều trị bệnh lý này cũng không dễ dàng mà cần chủ động quản lý chặt chẽ về lối sống, lối sinh hoạt cũng như tuân thủ phác đồ dùng thuốc của các bác sĩ Nội tiết.