Nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là sự viêm và tắc nghẽn của các đường dẫn khí do nhiều yếu tố khác nhau như hút thuốc lá/thuốc lào, ô nhiễm không khí, di truyền, vi khuẩn hoặc virus.
Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh mạn tính làm suy giảm chức năng hô hấp của người bệnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc COPD, bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài.
Trong số đó, người hút thuốc lá và thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất. Khói thuốc lá, thuốc lào kể cả hút chủ động hay thụ động là nguy cơ hàng đầu gây COPD. Theo nghiên cứu của PGS Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự tại Việt Nam, tỷ lệ COPD trong nhóm hút thuốc cao gấp 3,4 lần nhóm không hút thuốc đối với cả 2 giới.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác như người làm việc trong môi trường có nhiều bụi và hóa chất nghề nghiệp với thời gian lâu, cường độ mạnh cũng có thể dẫn đến COPD và khi có thêm khói thuốc lá thì tiến triển của bệnh càng nặng hơn.
Cần chú ý cả những người sống ở nơi bị ô nhiễm không khí (kể cả không khí trong và ngoài nhà) cũng có nguy cơ mắc COPD. Nồng độ ô nhiễm không khí cao ở thành thị rất có hại cho người bệnh tim và phổi. Sự ô nhiễm không khí trong nhà đến từ khỏi của các chất đốt như: củi, rơm rạ, than…đặc biệt ở nơi thông gió kém, đều có nguy cơ cao gây COPD.
Còn các nhóm nguyên nhân ít gặp hơn như: di truyền (chiếm tỷ lệ nhỏ hơn 1%). Các thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin (rất ít gặp, ở những người này bệnh xuất hiện sớm trước tuổi 40 và nặng lên nhanh chóng). Ở người già, do sức đề kháng và chức năng hô hấp giảm sút nên dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn.
Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất đa dạng và phức tạp. Viêm phế quản mạn tính, yếu tố di truyền và các bệnh lý khác đều có thể góp phần vào tình trạng này. Việc hiểu rõ nguyên nhân là cơ sở để xác định và áp dụng các biện pháp điều trị COPD hiệu quả.