Phổi tắc nghẽn mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Xuất bản: 29/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 11/12/2023
Phổi tắc nghẽn mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Phổi tắc nghẽn mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa - Ảnh: BookingCare
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh về hô hấp nhiều người mắc phải. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin về căn bệnh này và những vấn đề liên quan.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh phổi có thể phòng ngừa được nhưng điều trị phải duy trì liên tục dưới sự giám sát của bác sĩ. Nguyên nhân chính gây ra bệnh là do khói thuốc lá, thuốc lào.

Những người bị COPD phải sử dụng nhiều sức hơn để thực hiện động tác hít thở, dẫn đến triệu chứng hụt hơi, nặng ngực, kiệt sức. Nếu được phát hiện trễ, đã ở giai đoạn cuối của bệnh, bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng khó thở, đôi khi là suy hô hấp có thể đe dọa tính mạng. 

Nguyên nhân gây phổi tắc nghẽn mạn tính

Những nguyên nhân gây ra phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là:

  • Hút thuốc lá chủ động và thụ động: Hút thuốc lá được xem là nguyên nhân chính gây ra COPD, kể cả chủ động hút hoặc hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài, chiếm tới 90% trường hợp. Khói thuốc lá kích ứng đường hô hấp, gây viêm mạn tính đường thở, dẫn đến thu hẹp đường thở. Ngoài ra, khói cũng gây ra tổn thương lông mao, làm giảm khả năng loại bỏ chất lỏng và các hạt bụi trong đường thở.
  • Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin (AAT): Đây là một rối loạn di truyền. Khi bạn bị thiếu AAT không sản xuất đủ alpha-1 antitrypsin, phổi của bạn có nhiều khả năng bị tổn thương do tiếp xúc với các chất kích thích như khói và bụi. 
  • Các tình trạng viêm đường hô hấp dưới tái diễn dai dẳng: viêm phế quản mạn tính, có nhiều đợt nhập viện vì lao phổi, viêm phổi, suy hô hấp.
  • Ô nhiễm không khí: Do khói bụi tàu xe, công trình xây dựng, nhà máy, do đốt than củi sưởi ấm (ở miền Bắc nước ta) cũng có thể gây ra COPD khi chúng ta hít phải trong thời gian dài.
  • Ô nhiễm tại môi trường làm việc: Một số ngành nghề như công nhân xây dựng, công nhân mỏ, người làm việc trong môi trường có sự xuất hiện của bụi và khói, có nguy cơ cao mắc bệnh COPD nếu thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên trong một thời gian.
Khói thuốc là nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. - Ảnh: Canva

Triệu chứng phổi tắc nghẽn mạn tính

Các triệu chứng phổ biến phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bao gồm:

  • Ho mạn tính: được coi là triệu chứng xuất hiện sớm nhất ở người bị COPD, ban đầu là ho ngắt quãng từng đợt, sau đó là ho thường xuyên, ho có thể kèm theo đàm hoặc không. Tuy nhiên triệu chứng ho đơn thuần thường không đặc hiệu.
  • Khó thở: khó thở dai dẳng, nặng dần theo thời gian, tăng khi hoạt động thể chất, gây suy nhược tinh thần, lo lắng nhiều, là triệu chứng đặc hiệu nhất của COPD.
  • Khó thở khi thực hiện các hoạt động thường ngày: Khi mắc COPD bạn có thể gặp tình trạng hụt hơi, nặng ngực khi làm các hoạt động hàng ngày như leo cầu thang, làm vườn, hoặc dọn dẹp nhà cửa, đôi khi bạn có thể phải dừng các hoạt động hằng ngày của bạn để hít thở hoặc do choáng váng.
  • Tiếng thở khò khè: Tiếng thở khò khè là một triệu chứng phổ biến của COPD. Đây là âm thanh phát ra từ đường dẫn khí khi hơi thở đi qua các chỗ bị thu hẹp và có chất nhầy trong phổi. Ngoài ra, tăng tiết đàm cũng là triệu chứng thường gặp đi kèm với thở khò khè. Tuy nhiên, tăng tiết đàm khó nhận biết hơn thở khò khè do chúng ta thường có thói quen nuốt đàm chứ không khạc đàm.
Người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính thường có triệu chứng ho kéo dài và khó thở. - Ảnh: Canva

Chẩn đoán phổi tắc nghẽn mạn tính

Trước hết, bác sĩ sẽ thu thập thông tin về tiền sử bệnh để tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ, như hút thuốc lá, tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí, hoặc có tiền sử bệnh lý mắc phải trước đây.

Sau đó, các bác sĩ tiến hành thu thập thông tin triệu chứng trong một khoảng thời gian, làm xét nghiệm kiểm tra tim phổi, mũi họng, kiểm tra các chỉ số sinh hóa trong máu.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ làm một số bảng điểm đánh giá tình trạng cuộc sống của bạn, cho đo các chỉ số chức năng hô hấp, đo nồng độ oxy trong máu bằng khí máu động mạch, chụp Xquang phổi hoặc CT scan ngực.

Từ kết quả của các bài kiểm tra và xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ đưa ra dự đoán về tình trạng bệnh nhân đang ở giai đoạn bệnh COPD nào và lên kế hoạch điều trị phù hợp.

Điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính

Điều trị COPD là một quá trình kéo dài cần sự hợp tác của bệnh nhân với bác sĩ để tối ưu hóa khả năng lưu thông đường thở. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bác sĩ khuyên dùng:

  • Thuốc giãn phế quản: Những loại thuốc này giúp giãn phế quản, bạn sẽ thở dễ dàng hơn. Các thuốc giãn phế quản được các nhà sản xuất thiết kế dưới dạng bình hít, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn để được tư vấn và chọn loại bình hít phù hợp nhất với tình trạng bệnh của bạn.
  • Các loại corticoid dạng hít: Thuốc được sản xuất chung dạng bình hít với các thuốc giãn phế quản, rất tiện lợi trong sử dụng, hạn chế sử dụng corticoid dạng uống nếu bạn bị COPD do nhiều tác dụng phụ.
  • Bổ sung khí oxy: Nếu oxy trong máu thấp, bạn có thể cần một bình oxy di động để cải thiện mức độ oxy trong cơ thể khi cần thiết.
  • Thuốc kháng sinh: Phổi tắc nghẽn khiến bạn dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, gây tổn thương cho phổi. Hãy cẩn trọng khi sử dụng kháng sinh, nếu bạn sử dụng kháng sinh mà không có ý kiến của bác sĩ có thể làm xuất hiện tình trạng kháng thuốc kháng sinh, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm phổi.
  • Tiêm phòng: Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới nguy hiểm hơn khi bạn mắc bệnh COPD. Tiêm phòng để phòng bệnh viêm phổi nặng. Ngoài ra bạn cũng có thể tiêm phòng cúm, giời leo, ho gà, Covid-19.
  • Phục hồi chức năng: Chương trình phục hồi chức năng giúp bạn có kỹ năng và cách thở đến hạn chế tình trạng khó thở. 
  • Thuốc long đờm: Những sản phẩm này làm loãng chất nhầy trong đường thở để bạn có thể ho ra ngoài dễ dàng hơn. 
  • Thuốc kháng histamin: Các loại thuốc này giúp giảm tắc mũi, chảy nước mắt và hắt hơi. Mặc dù có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng này nhưng thuốc kháng histamine có thể làm khô đường thở, gây khó thở cũng như gây khó khăn khi ho ra chất nhầy. Bạn nên uống thuốc này sau khi ăn để giảm đau dạ dày.

Phòng ngừa phổi tắc nghẽn mạn tính

Để tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, không được hút thuốc là điều quan trọng nhất. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy cố gắng bỏ thuốc lá, thuốc lào.

Ngoài ra, bạn cũng nên tránh tiếp xúc những nơi môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt là không khí chứa hạt bụi, khói và khí độc hại. Nếu bạn sống hoặc làm việc trong môi trường có chất lượng không an toàn, hãy sử dụng khẩu trang và mặt nạ để bảo vệ đường hô hấp.

Nếu bạn không thể tránh tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, hãy giảm thiểu tối đa thời gian tiếp xúc và tìm cách bảo vệ sức khỏe của mình. Sử dụng máy lọc không khí trong nhà và giữ cho không gian sống của bạn luôn thông thoáng và sạch sẽ.

Sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Việc sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một quá trình dài và khó khăn đối với cả người bệnh và gia đình.

Một vài lời khuyên dưới đây có thể giúp ích cho bạn để có một cuộc sống dễ dàng và khỏe mạnh hơn.

  • Từ bỏ hút thuốc, tránh xa khói thuốc từ người xung quanh.
  • Rửa tay sạch sẽ tránh lây nhiễm virus, vi khuẩn.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ.
  • Tìm hiểu về chương trình phục hồi chức năng phổi, chương trình này sẽ hướng dẫn bạn cách vận động mà ít khó thở hơn.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng và nghỉ ngơi, vận động thể thao nhẹ nhàng và hợp lý.
  • Uống nhiều nước, nước trái cây (1,5 lít nước mỗi ngày).
  • Tiêm phòng cúm và Covid-19, tránh xa những nơi tập trung đông người khi đang có dịch bệnh hô hấp đang diễn ra tại địa phương mình sinh sống.
  • Giữ không gian sống, làm việc sạch sẽ, trong lành. Tránh môi trường bị ô nhiễm khí bởi chất hóa học, khói, bụi.

Để phòng ngừa và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hãy đến khám chuyên khoa và tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, việc duy trì một lối sống lành mạnh, hạn chế hút thuốc lá và tiếp xúc với các chất độc hại cũng là cách hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết