Sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - Ảnh: BookingCare

Sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Tác giả: - Xuất bản: 29/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/01/2024
Sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh và gia đình chăm sóc. Vậy sau khi điều trị tại viện người bệnh cần có những lưu ý khi điều trị và chăm sóc tại nhà. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin.

Sau khi bạn được chẩn đoán Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lộ trình điều trị tiếp theo của bạn là một quãng đường rất dài, đòi hỏi bạn phải thay đổi nhiều thói quen hoặc ghi nhớ nhiều cái lưu ý mà bác sĩ dặn cho. Sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một thách thức lớn đối với những người bị bệnh này.

Để sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bạn cần phải có một kế hoạch chăm sóc sức khỏe đầy đủ và chính xác. Điều này bao gồm việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục và tuân thủ đầy đủ các chỉ định của bác sĩ. 

Sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 

Những lưu ý sau khi điều trị ở viện về nhà 

Sau khi điều trị ổn định đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), việc duy trì chăm sóc tại nhà là rất quan trọng. Bạn sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc uống hoặc thuốc hít, có thể kết hợp với corticoid dạng phun hít hoặc không. Để đạt hiệu quả tốt nhất, hãy sử dụng các loại thuốc này đều đặn và theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, điều trị COPD không chỉ đơn giản là sử dụng thuốc mà còn nhiều các biện pháp điều trị không sử dụng thuốc đi kèm, hãy tuân thủ các biện pháp sau để giữ gìn sức khỏe:

  • Giữ ấm cơ thể và đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người khác để tránh nguy cơ khởi phát đợt cấp do hít phải khói bụi hoặc nhiễm virus.
  • Tiêm phòng vacxin cúm hàng năm và vacxin phế cầu mỗi 5 năm một lần. Đây là biện pháp đã được chứng minh giảm nguy cơ đợt cấp của bệnh.
  • Tùy theo tình trạng sức khỏe, tập thể dục để giảm cảm giác khó thở và tăng khả năng thích nghi với các hoạt động hàng ngày. Bạn có thể thực hiện các bài tập thiền, thở kiểu bụng (thở hoành) hoặc Yoga.

Kỹ thuật thở hoành có thể được thực hiện như sau:

  • Ngồi ở tư thế thoải mái, thả lỏng cổ và vai.
  • Đặt một bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực.
  • Hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên, lồng ngực không di chuyển.
  • Hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng trong thời gian gấp đôi thời gian hít vào. Bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.
  • Tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen.
  • Sau khi đã thành thạo kỹ thuật thở cơ hoành ở tư thế nằm hoặc ngồi, hãy áp dụng nó khi đứng, đi bộ và làm việc nhà.

Nếu bạn ho nhiều và luôn cảm giác vướng đàm ở cổ họng nhưng không khạc được hãy thực hiện cách sau:

  • Uống đủ nước (trung bình khoảng 1,5 lít nước/ngày) sử dụng nước ấm, không uống quá nhiều nước đá hoặc các loại nước ngọt, nước cà phê.
  • Sử dụng thuốc giãn phế quản qua bình hít đều đặn, thuốc long đờm.
  • Thực hiện động tác ho có kiểm soát bằng cách ngồi thư giãn hít thở đều, ho mạnh 2 lần để làm long đờm và đẩy đờm ra ngoài

Ngoài ra, bạn cần chăm sóc vệ sinh giấc ngủ và giữ tinh thần không bị căng thẳng thường xuyên:

  • Không nhìn vào màn hình xanh (màn hình điện thoại, laptop, máy tính bảng) quá nhiều trước khi đi ngủ.
  • Nên thư giãn, không sử dụng nước trà trước khi đi ngủ.

Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bổ sung dưỡng chất trong chế độ ăn cho người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính là việc vô cùng quan trọng tác động đến hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh.khoảng 25 – 40% bệnh nhân COPD có cân nặng thấp hơn bình thường và khoảng 25% sút cân vừa đến nặng.

Dưới đây là những điều cần biết về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân COPD:

  • Đa dạng chất dinh dưỡng
    • Bệnh nhân cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, bao gồm đạm, mỡ, đường, tinh bột và các muối khoáng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có các bệnh đồng mắc khác như suy thận, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, cần hạn chế một số thành phần dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ.
    • Thực phẩm giàu chất xơ, chất chống oxy hóa và omega-3. Nên ăn nhiều rau xanh, hạt, quả, thực phẩm giàu protein như cá, thịt gà và nấm.
  • Hạn chế tiêu thụ tinh bột và đường: Nên hạn chế tiêu thụ quá nhiều các loại thức ăn chứa đường hoặc tinh bột, đặc biệt là các loại thức ăn nhanh. Khuyến khích sử dụng các loại hạt, ngũ cốc vì chứa ít tỷ lệ tinh bột và nhiều vi khoáng hỗ trợ giảm yếu tố nguy cơ tim mạch. Các loại thức ăn nhanh, chiên nướng nhiều dầu mỡ, các loại thức ăn giàu tinh bột hoặc đường này khi chuyển hóa có thể làm tăng mức khí CO2 trong máu, gây nôn nao, bứt rứt, đôi khi là khó thở và tăng nguy cơ đợt cấp.
  • Uống đủ nước: Bệnh nhân COPD cần uống đủ nước để giữ cho đờm loãng và dễ tống ra. Trung bình, nên uống khoảng 1,5 lít nước mỗi ngày, trừ khi có hạn chế do các yếu tố khác.
  • Tư vấn dinh dưỡng: Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để tạo ra chế độ dinh dưỡng phù hợp với trạng thái sức khỏe và nhu cầu riêng của bệnh nhân COPD.

Sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu bạn có một kế hoạch chăm sóc sức khỏe đầy đủ và tuân thủ đầy đủ các chỉ định của bác sĩ, bạn có thể kiểm soát được bệnh và sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết