Trong quá trình mang thai, xảy ra rất nhiều sự thay đổi về hormone ở cơ thể người mẹ, trong đó có hormone Insulin. Sự rối loạn hormone này gây ra tiểu đường thai kỳ ở các bà mẹ đang mang thai. Bài viết này sẽ giải thích chi tiết hơn về nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ, từ đó, đưa ra phương pháp phòng ngừa bệnh cho mẹ bầu.
Đâu là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ?
Khi mang thai, cơ thể người mẹ tạo ra nhiều hormone hơn và có nhiều biến đổi trong cơ thể, chẳng hạn như tăng cân. Những biến đổi này vô tình làm cơ thể mẹ bầu sử dụng insulin kém hiệu quả hơn, hay còn được biết đến là tình trạng kháng insulin.
Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tiết ra, hoạt động như chìa khóa chuyển hóa Glucose trong máu thành năng lượng cung cấp cho tế bào.
Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào đang mang thai cũng mắc phải bệnh lý này. một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc tiểu đường thai kỳ ở một số đối tượng phụ nữ:
- Thừa cân hoặc béo phì: tình trạng kháng insulin ở người béo phì gây rối loạn chuyển hóa glucose.
- Không thường xuyên hoạt động thể chất
- Đã từng được chẩn đoán mắc tiền đái tháo đường hoặc tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang
- Từng sinh em bé nặng trên 4 kí
- Tiền căn gia đình: gia đình có người bị tiểu đường - đặc biệt là bố mẹ, anh chị em ruột là yếu tố nguy cơ của tiểu đường thai kỳ
- Tiền sử bất thường về dung nạp glucose
- Sinh con khi lớn tuổi: phụ nữ sinh con sau 35 tuổi có nguy cơ cao
- Tiền sử sản khoa bất thường
- Chủng tộc: Nhóm người Châu Á có nguy cơ mắc tiểu đường thai kì cao
Cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ hiệu quả
Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người mẹ và thai nhi, chính vì vậy, nếu bạn đang mang thai hoặc có ý định mang thai, hãy rèn luyện các thói quen này từ sớm để điều hòa lượng đường huyết:
- Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe: Bạn hãy ưu tiên chọn thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo. Tập trung vào trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Cố gắng xây dựng thực đơn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng để giúp bạn ăn ngon miệng mà vẫn đảm bảo được sức khỏe
- Duy trì tập thể dục: Thói quen tập thể dục trước và trong khi mang thai sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh tiểu đường thai kỳ. Hãy cố gắng dành ra 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Ngoài ra, một số hoạt động đơn giản như đi bộ, yoga, chăm sóc cây cảnh,... cũng là những hoạt động nên duy trì hàng ngày để cơ thể luôn được vận động
- Đảm bảo cân nặng khỏe mạnh khi mới bắt đầu mang thai: Nếu bạn đang có ý định mang thai, việc giảm cân trước đó có thể giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh hơn.
- Đừng tăng cân nhiều hơn khuyến nghị. Người mẹ nên tăng 1-2 kg trong 3 tháng đầu, 4-5 kg trong 3 tháng tiếp theo và 5-6 kg trong 3 tháng cuối thai kỳ. Tăng cân quá nhiều và quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Hãy tham khảo ý kiến từ các bác sĩ và chuyên gia y tế về mức tăng cân hợp lý đối với tình trạng sức khỏe của bạn
- Tuân thủ lịch trình khám thai cũng như thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tầm soát trong thai kì theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Việc hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ cũng như nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thai kỳ là vô cùng quan trọng. Từ đó, mới có thể áp dụng những biện pháp phòng ngừa hợp lý và hiệu quả, tránh tình trạng phát triển bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.