U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa rất dễ gặp ở chị em đang trong độ tuổi sinh đẻ. U nang buồng trứng có nhiều loại, có thể là u cơ năng bình thường nhưng cũng có thể là u thực thể bệnh lí ảnh hưởng tới sức khoẻ và khả năng sinh sản hay u nang có thể tiềm tàng nguy cơ ung thư.
Chính vì vậy mà bất kỳ chị em nào cũng cần phải tìm hiểu về nguyên nhân gây ra bệnh u nang buồng trứng và biết về các loại u nang để có biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Nguyên nhân gây u nang buồng trứng
Những nguyên nhân phổ biến gây bệnh u nang buồng trứng bao gồm:
- Vấn đề về hormone: các khối u chức năng xuất hiện có thể do những vấn đề về hormone hoặc các thuốc hỗ trợ sinh sản như thuốc kích trứng gây ra.
- Lạc nội mạc tử cung. Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có thể phát triển một loại nang buồng trứng gọi là nang lạc nội mạc. Các mô lạc nội mạc tử cung có thể bám vào buồng trứng và hình thành các nang, qua mỗi chu kì kinh nguyệt sự thay đổi horrmon khiến cho nang này tăng lên về kích thước do sự tích tụ dịch bên trong nang. Nang lạc nội mạc có thể gây cơn đau bụng kinh hoặc đau khi quan hệ tình dục.
- Mang thai: thông thường, một vài u nang buồng trứng có thể xuất hiện tự nhiên ở giai đoạn đầu thai kỳ để hỗ trợ cho bào thai cho đến khi nhau thai được hình thành. Tuy nhiên, u nang cũng có thể xuất hiện cho đến hết thai kỳ.
- Nhiễm trùng vùng chậu: Viêm vùng chậu có thể lan ra buồng trứng và vòi trứng, từ đó gây hình thành áp-xe.
- Do có kinh nguyệt sớm hơn bình thường: Đây cũng là tiền đề dẫn tới u nang buồng trứng phát triển.
- Biến chứng của u nang buồng trứng: xoắn nang, vỡ nang,...
- Stress, thừa cân: Người thường xuyên ở trong tình trạng căng thẳng, stress cao độ, béo phì cũng có thể là đối tượng dễ bị u nang.
Phân loại u nang buồng trứng
1. U nang chức năng
Buồng trứng là nơi sản xuất và lưu trữ các tế bào trứng được gọi là nang trứng. Mỗi tháng, một số nang trứng sẽ phát triển sản xuất hormone estrogen và progesterone và một quả trứng trội nhất về kích thước sẽ vỡ ra để giải phóng trứng được gọi là rụng trứng.
Tuy nhiên vì một lí do nào đó, quả trứng trội không rụng và tồn tại trong một vài tháng được gọi là u nang chức năng. U nang chức năng thường vô hại. Chúng hiếm khi gây đau và thường tự biến mất trong vòng 2 đến 3 chu kỳ kinh nguyệt. Có hai loại u nang chức năng:
- Nang cơ năng. Khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt của bạn, một nang trứng vỡ ra giải phóng noãn bào. Phần noãn này sau đó đi vào ống dẫn trứng để thụ tinh với tinh trùng. Vì một nguyên nhân nào đó khiến cho nang trứng này không vỡ dẫn tới hình thành nang cơ năng.
- Nang hoàng thể. Sau khi nang trứng giải phóng, nó co lại và bắt đầu sản xuất progesterone. Những hormone này là cần thiết cho việc thụ thai. Nang trứng bây giờ được gọi là hoàng thể. Đôi khi, lỗ mở ở nơi trứng giải phóng bị chặn. Chất lỏng tích tụ bên trong hoàng thể, gây ra u nang.
2. U nang khác
Một số những loại u nang khác không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt như:
- U nang bì. U nang này hình thành từ các tế bào mầm. U nang có thể chứa mô, chẳng hạn như tóc, da hoặc răng. Loại u nang này hiếm khi là ung thư.
- U nang tuyến. Loại u nang này có nguồn gốc từ tế bào biểu mô tuyến. U nang có thể chứa đầy nước hoặc dịch nhầy. Một u nang tuyến có thể phát triển rất lớn.
- Nang lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng khiến các tế bào tương tự như các tế bào lót bên trong tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Một số mô có thể gắn vào buồng trứng và tạo thành u nang. Đây được gọi là nang lạc nội mạc tử cung.
U nang bì và u nang tuyến có thể trở nên lớn và di chuyển buồng trứng ra khỏi vị trí. Điều này làm tăng nguy cơ xoắn buồng trứng. Xoắn buồng trứng có thể làm giảm hoặc ngừng lưu lượng máu đến buồng trứng.
Nguyên nhân gây u nang buồng trứng khá đa dạng, vì vậy chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân chính xác sẽ giúp quá trình điều trị u nang buồng trứng hiệu quả hơn.