Huyết áp cao là căn bệnh mãn tính tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: suy tim, suy thận, đột quỵ,... Người trẻ tuổi có thể bị huyết áp cao do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phát hiện và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng giúp người bệnh giảm thiểu các rủi ro biến chứng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ
Theo thống kê, 90 -95% tăng huyết áp là vô căn và 5 -10% còn lại là có căn nguyên và thường xảy ra ở người trẻ tuổi. Do đó, việc tìm nguyên nhân tăng huyết áp thường chỉ đặt ra ở người trẻ tuổi. Các nguyên nhân tăng huyết áp người trẻ nếu có, gồm:
- U tuyến thượng thận gây cường chức năng tuyến thượng thận kết quả là tăng sản xuất và tiết Cortisol trong máu gây tăng huyết áp
- Hẹp động mạch thận hai bên cũng là nguyên nhân tăng huyết áp cần được sàng lọc
- Cường chức năng tuyến giáp cũng có thể gây tăng huyết áp nhẹ với nhóm đối tượng bệnh nhân trẻ tuổi.
Ngoài ra, một số các yếu tố nguy cơ cũng góp phần làm gia tăng và trẻ hóa tình trạng tăng huyết áp:
Sử dụng các chất kích thích: n như rượu bia, thuốc lá,… Đây được coi là một trong số những yếu tố nguy cơ hàng đầu khiến tình trạng huyết áp cao ở người trẻ tuổi ngày càng tăng
- Căng thẳng, stress: Những người trẻ tuổi dễ bị stress vì áp lực cuộc sống, công việc, học tập,... Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, stress, lo âu làm tăng nguy cơ dẫn đến cao huyết áp.
- Thói quen ăn mặn, nhiều muối: Ăn mặn sẽ khiến lượng Natri trong máu tăng cao và làm giảm khả năng lọc của thận khiến tăng áp lực lên các mạch máu.
- Sử dụng thức ăn nhanh: M Đồ ăn nhanh chứa nhiều cholesterol rất có hại cho tim mạch. Các loại đồ ăn này khiến cho lượng mỡ trong máu tăng cao gây xơ cứng động mạch, tăng huyết áp đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì.
- Di truyền: Theo hiệp hội tim mạch Mỹ, tăng huyết áp có yếu tố di truyền. Một người có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nếu trong gia đình có người cũng bị bệnh. Bên cạnh các yếu tố di truyền, nguy cơ mắc tăng huyết áp còn phụ thuộc vào các thói quen, lối sống trong gia đình như: chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt,...
Tăng huyết áp thường mất khá nhiều thời gian để biểu hiện bệnh ra bên ngoài. Tuy nhiên, người bệnh có thể theo dõi sức khỏe thường xuyên và chú ý tới những triệu chứng tăng huyết áp đột ngột để có thể can thiệp kịp thời.
Các biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp ở người trẻ
Thói quen và lối sống sinh hoạt hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Dưới đây là một số lời khuyên giúp người trẻ tuổi hạn chế nguy cơ mắc bệnh:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế muối và các chất béo bão hòa; bổ sung rau xanh và các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
- Tăng cường hoạt động thể thao
- Ngủ đủ giấc
- Hạn chế căng thẳng, lo âu
- Không sử dụng hoặc hạn chế tối đa các chất kích thích: rượu bia, thuốc lá, cà phê,..
- Đi khám định kì, đến gặp bác sĩ ngay nếu cơ thể xuất hiện vấn đề bất thường
- Duy trì cân nặng phù hợp
Tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng và chất lượng cuộc sống. Người trẻ tuổi nên có nhận thức rõ ràng, xây dựng thói quen sống lành mạnh và theo dõi sức khỏe thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ tăng huyết áp cũng như các loại bệnh khác.