Nguyên nhân hội chứng ngưng thở khi ngủ
Nguyên nhân hội chứng ngưng thở khi ngủ
Nguyên nhân hội chứng ngưng thở khi ngủ - Ảnh BookingCare
Nguyên nhân hội chứng ngưng thở khi ngủ - Ảnh BookingCare

Nguyên nhân hội chứng ngưng thở khi ngủ

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 10/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 05/01/2024
Tại Việt Nam, hội chứng ngưng thở khi ngủ bắt đầu được quan tâm nhiều hơn do hậu quả của nó khá nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ, trong đó thường gặp nhất là đường hô hấp trên bị tắc nghẽn, sự mất cân bằng tại trung tâm điều khiển hô hấp của não trong lúc ngủ.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ, được đặc trưng bởi sự xuất hiện các cơn ngừng thở và giảm thở lặp đi lặp lại do tắc nghẽn đường hô hấp trên trong khi ngủ mặc dù vẫn có gắng sức hô hấp. Bên cạnh nguyên nhân tắc nghẽn đường hô hấp, hội chứng ngưng thở khi ngủ còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra. 

Nguyên nhân hội chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn khá phổ biến và tỷ lệ hiện mắc ngày càng tăng liên quan mật thiết với người bị béo phì. Ước tính có khoảng 1 tỷ người bị ảnh hưởng trên toàn thế giới và hầu hết trong số họ không được chẩn đoán và không được điều trị. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể phổ biến gấp 4 lần ở nam giới và nhiều hơn gấp 7 lần ở những người béo phì.

Ngưng thở xảy ra do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn trong khi ngủ do lưỡi, các mô ở thành sau họng quá to hay bất thường về xương hàm.

Ngưng thở trung ương khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ do trung ương ít phổ biến hơn nhiều so với ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn chiếm 5% các trường hợp ngưng thở khi ngủ.

Ngưng thở khi ngủ do trung ương là khi não không gửi được những tín hiệu thích hợp để điều khiển cơ hô hấp, trong những trường hợp người bệnh bị tổn thương não.

Hội chứng ngưng thở trung ương thường do các bệnh lý sẵn có từ trước gây ra, dẫn đến sự mất cân bằng tại trung tâm điều khiển hô hấp của não trong lúc ngủ như suy tim hay bệnh lý về thần kinh.

Ai có nguy cơ cao mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ?

Ngưng thở tắc nghẽn là tình trạng hay gặp nhất, ảnh hưởng đến khoảng 4% nam giới và 2% nữ giới. Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh hơn nhóm khác khi có một trong những dấu hiệu sau: 

  • Béo phì: nguy cơ ngừng thở khi ngủ gấp 3 lần người bình thường.
  • Phì đại VA, phì đại cuống lưỡi, phì đại amidan, phì đại cuốn mũi, sung huyết mũi, lưỡi quá to,…
  • Các vấn đề về xoang, ngạt tắc mũi.
  • Các bất thường vùng hàm mặt, phần mềm đường hô hấp trên: xương hàm nhỏ, xương hàm ra sau.
  • Hiện đang hút thuốc lá, sử dụng thuốc an thần, chất gây nghiện, nghiện rượu.
  • Trong gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ.
  • Đang mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, nhược giáp, suy tim, bệnh mạch máu não.
  • Rối loạn tim: Những người bị rung nhĩ hoặc suy tim sung huyết có nguy cơ ngưng thở khi ngủ trung ương. Ngưng thở khi ngủ trung ương có thể có mặt đến 40% những người bị suy tim sung huyết.
  • Tai biến mạch máu não hoặc u não. Các điều kiện này có thể làm giảm khả năng của não điều chỉnh hơi thở.

 

 Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở tuổi trung niên và nam nhiều hơn nữ. Trong đó, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là nguyên nhân hàng đầu gây buồn ngủ ban ngày, dẫn đến làm tăng nguy cơ tai nạn ô tô, khó khăn trong công việc và có thể gây rối loạn chức năng tình dục. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare