Nguyên nhân huyết áp cao, cách phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
Bác sĩ thăm khám, đo huyết áp cho người bệnh
Nguyên nhân cao huyết áp và cách phòng ngừa bệnh tăng huyết áp - Ảnh: BookingCare

Nguyên nhân huyết áp cao, cách phòng ngừa bệnh tăng huyết áp

Tác giả: - Xuất bản: 02/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, nguyên nhân do nhiều lý do khác nhau, trong đó được chia ra 2 nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát.

Tăng huyết áp là bệnh lý ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, nghĩa là cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp.  Nguyên nhân cao huyết áp đến từ nhiều lý do khác nhau. 

Nguyên nhân gây huyết áp cao

Bao gồm, nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát:

  • Nguyên nhân nguyên phát - Tăng huyết áp vô căn: là mức tăng huyết áp cao mà các nguyên nhân thứ phát rõ ràng không được xác định, chiếm 90 - 95% các trường hợp bệnh cao huyết áp. 
  • Nguyên nhân thứ phát - Tăng huyết áp thứ phát): khi có những nguyên nhân rõ ràng như tăng huyết áp do bệnh thận, tuyến thượng thận,...

Tăng huyết áp nguyên phát hay tăng huyết áp vô căn

Tăng huyết áp nguyên phát không có nguyên nhân rõ ràng. Thông thường, do nhiều yếu tố kết hợp với nhau, phổ biến bao gồm:

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh (bao gồm chế độ ăn nhiều natri - muối).
  • Không hoạt động thể chất.
  • Tiêu thụ nhiều đồ uống có chứa cồn. 

Tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp thứ phát có ít nhất một nguyên nhân riêng biệt mà bác sĩ thăm khám có thể xác định. Nguyên nhân phổ biến của tăng huyết áp thứ phát bao gồm:

  • Bệnh thận: Phần lớn tăng huyết áp do bệnh lí về thận: viêm cầu thận cấp và mạn, sỏi thận, hẹp động mạch thận trực tiếp làm giảm tưới máu thận, hoặc một trong những nhánh của chúng. 
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Những bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có huyết áp bình thường không được điều trị có nhiều khả năng bị tăng huyết áp trong vòng 5 năm sau khi chẩn đoán
  • Cường aldosterone nguyên phát - hội chứng Conn.
  • Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm thuốc ức chế miễn dịch, NSAID và thuốc tránh thai (thuốc viên) có thể làm tăng huyết áp.
  • Sử dụng ma túy (bao gồm amphetamine và cocaine): ma túy gây nên tình trạng co mạch làm tăng huyết áp.
  • Sử dụng thuốc lá: Nicotin có trong thuốc lá, làm kích thích sản sinh adrenaline nên hút thuốc lá làm tim đập nhanh, nhịp tim trở nên nhanh hơn gây huyết áp cao.
  • Sử dụng một số loại thuốc đông y như cam thảo,…

Ngoài ra, với người trẻ tuổi cũng bị cao huyết áp, nguyên nhân huyết áp cao ở người trẻ có thể kể đến như: do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ ăn uống không hợp lý,...

Cách phòng bệnh huyết áp cao

Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả nên lưu ý và thực hiện một số điều sau:

  • Có chế độ ăn uống lành mạnh:
    • Tăng cường ăn rau xanh, hóa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt
    • Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no
    • Đảm bảo đủ kali: lý tưởng nhất là thông qua các loại thực phẩm bạn ăn hơn là chất bổ sung. Một số thực phẩm giàu kali bao gồm chuối, bơ và khoai tây (còn vỏ).
    • Giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày)
  • Giữ cân nặng phù hợp với sức khỏe của bạn: Duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; giảm cân (nếu thừa cân, béo phì)
  • Hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào
  • Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày.
  • Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, cần phải điều trị lâu dài thậm chí suốt đời. Khuyến cáo người bệnh để kiểm soát huyết áp hiệu quả, tránh biến chứng nguy hiểm, phải nghiêm túc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, đo huyết áp, uống thuốc hàng ngày, tái khám định kỳ kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết