Nguyên nhân nào gây ra dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em?

Tác giả: - Xuất bản: 16/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 12/01/2024
Nguyên nhân nào gây ra dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em?
Nguyên nhân nào gây ra dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em? - Ảnh: BookingCare
Hiện nay, vẫn chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân gây ra tật tim bẩm sinh, nhưng có một số yếu tố nguy cơ có thể khiến khả năng mắc bệnh cao hơn được liệt kê dưới đây.

Bệnh tim bẩm sinh là thuật ngữ chung chỉ các dị tật ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của tim xuất hiện từ trong bào thai.

Các nhà nghiên cứu cho rằng các bất thường của tim xảy ra trong 6 tuần đầu của thai kỳ - thời điểm mà tim của em bé bắt đầu hình thành và có nhịp đập. 

Hiện tại chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tim bẩm sinh, nhưng một số yếu tố nguy cơ được biết đến khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cao hơn dưới đây. 

Yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc dị tật bẩm sinh

Các yếu tố được liệt kê dưới đây có thể khiến trẻ sinh ra có nguy cơ mắc dị tật tim bẩm sinh cao hơn.

Di truyền

Một số tình trạng sức khỏe di truyền mà em bé thừa hưởng từ một hoặc cả hai cha mẹ có thể gây ra bệnh tim bẩm sinh. Một số loại bệnh tim bẩm sinh có tính di truyền trong gia đình.

Hội chứng Down là tình trạng di truyền có thể gây ra bệnh tim bẩm sinh được biết đến rộng rãi nhất. Trẻ mắc hội chứng Down sinh ra với nhiều khuyết tật do bất thường về di truyền. Khoảng 50% trẻ mắc hội chứng Down mắc bệnh tim bẩm sinh. 

Các tình trạng di truyền khác liên quan đến bệnh tim bẩm sinh bao gồm:

  • Hội chứng Turner: một rối loạn di truyền chỉ ảnh hưởng đến nữ giới.
  • Hội chứng Noonan: một rối loạn di truyền có thể gây ra nhiều triệu chứng tiềm ẩn.

Mẹ mắc bệnh đái tháo đường

Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường (không phải tiểu đường thai kỳ) có nguy cơ sinh con mắc bệnh tim bẩm sinh cao hơn những phụ nữ không mắc bệnh lý này.

Rượu bia

Nếu phụ nữ uống quá nhiều rượu khi mang thai có thể gây độc cho thai nhi. Tình trạng này được gọi là hội chứng rượu bào thai.

Trẻ bị hội chứng rượu bào thai có thể mắc bệnh tim bẩm sinh, chẳng hạn như thông liên nhĩ hoặc thông liên thất.

Rubella

Rubella là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi nếu người mẹ bị nhiễm rubella trong 8 đến 10 tuần đầu của thai kỳ.

Nhiễm rubella có thể gây ra nhiều dị tật bẩm sinh, bao gồm cả bệnh tim bẩm sinh. Vì vậy, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên được tiêm vắc xin ngừa bệnh rubella.

Cúm 

Phụ nữ bị cúm trong ba tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sinh con mắc bệnh tim bẩm sinh cao hơn. Vì vậy tất cả phụ nữ mang thai trong mùa cúm nên được tiêm phòng vắc xin.

Các loại thuốc

Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh. Bao gồm:

  • Thuốc thalidomide, ức chế men chuyển, statin
  • Thuốc chống động kinh
  • Một số loại thuốc trị mụn như isotretinoin và retinoids tại chỗ
  • Thuốc giảm đau ibuprofen: Những phụ nữ dùng thuốc giảm đau ibuprofen khi họ mang thai từ 30 tuần trở lên có nguy cơ sinh con mắc bệnh tim cao hơn.

Vì vậy với bất cứ loại thuốc sử dụng trong thời kỳ mang thai, người mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn.

Phenylketon niệu (PKU)

Phenylketon niệu (PKU) là một tình trạng di truyền hiếm gặp xuất hiện ngay từ khi sinh ra. Những bà mẹ mang thai mắc PKU không kiểm soát bệnh bằng chế độ ăn kiêng có nhiều khả năng sinh con mắc bệnh tim bẩm sinh hơn.

Hoá chất độc hại

Phụ nữ tiếp xúc với một số loại hoá chất độc hại có thể dễ sinh con mắc bệnh tim bẩm sinh hơn. Một số loại hoá chất độc hại phổ biến như các loại sơn bao gồm sơn móng tay,...

Để em bé sinh ra được khỏe mạnh, hạn chế tối đa nguy cơ mắc dị tật tim bẩm sinh, cha mẹ nên hạn chế các yếu tố nguy cơ trên đây nhất có thể cùng với việc khám thai định kỳ và tham vấn bác sĩ chuyên khoa.