Nhận biết các triệu chứng hẹp van tim và các cách chẩn đoán bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 10/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Triệu chứng nhận biết và cách chẩn đoán bệnh hẹp van tim
Triệu chứng nhận biết và cách chẩn đoán bệnh hẹp van tim - Ảnh: BookingCare
Nhận biết sớm các triệu chứng hẹp van tim thông qua bài viết dưới đây từ BookingCare nhằm thực hiện các biện pháp chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời.

Hẹp van tim làm cản trở quá trình lưu thông của máu qua tim, do đó gây nên những triệu chứng đau tức, khó thở ở lồng ngực. Tuy nhiên, tùy từng trường người bệnh mà có thể có triệu chứng hoặc không. Vì vậy, để biết chính xác mình có đang mắc bệnh lý hẹp van tim hay không, bạn cần thực hiện các chẩn đoán theo hướng dẫn từ bác sĩ Tim mạch.

Triệu chứng nhận biết khi bị hẹp van tim

Hẹp van tim là hiện tượng van tim không thể mở hoàn toàn, khiến lỗ van bị thu hẹp từ đó làm giảm lưu lượng máu chảy ra khỏi tâm thất hoặc tâm nhĩ. Tim buộc phải tăng lực co bóp và tần số tim để làm tăng lượng máu di chuyển qua các các van bị hẹp. Quả tim gồm 4 loại van bao gồm: van động mạch chủ, van hai lá, van ba lá, van phổi. Từ đó có 4 loại bệnh lý hẹp van tim tương ứng

Các triệu chứng có thể gặp khi hẹp van tim bao gồm:

  • Khó thở: khó thở tăng lên khi gắng sức, khó thở nhiều về đêm và sáng, thậm chí khó thở cả khi nghỉ ngơi.
  • Đau tức ngực
  • Đánh trống ngực do nhịp tim không đều
  • Mệt mỏi, giảm khả năng hoạt động thể lưc, gắng sức
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Thở hụt hơi
  • Chân bị sưng tấy (đặc biệt ở mắt cá chân và bàn chân)

Cách chẩn đoán bệnh hẹp van tim

Khám lâm sàng: Bác sĩ dùng ống nghe nghe các ổ van tim, khi có tình trạng hẹp van bác sĩ có thể nghe thấy tiếng thổi bất thường ở ổ van tim đó

Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nặng nhẹ của tình trạng hẹp van tim và chức năng tim: 

  • Điện tâm đồ (ECG).  Phương pháp ghi lại hoạt động điện của tim, cho thấy nhịp tim bất thường (nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim), tăng gánh các buồng tim,... 
  • Siêu âm tim qua thành ngực (TTE): Phương pháp sử dụng để đánh giá chính xác hình thái van, tổ chức dưới van, mức độ vôi hóa, vận động của vòng van và lá van, đo đạc diện tích lỗ van, chức năng tim từ đó giúp đưa ra các phương pháp điều trị hoặc theo dõi định kỳ phù hợp.
  • Siêu âm tim qua thực quản (TEE): Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa một đầu dò siêu âm nhỏ xuống thực quản. Tại thực quản, đầu dò siêu âm có thể đánh giá tim một cách chính xác mà không bị cản trở bởi thành ngực, xương sườn hay phổi. Đây là phương pháp được bác sĩ sử dụng khi siêu âm tim qua thành ngực khó đánh giá đầy đủ và chính xác các tổn thương van tim
  • Chụp X-quang ngực: Phương pháp quen thuộc này có thể cho thấy bóng tim từ đó đánh giá được sự phì đại của buồng tim
  • Chụp cộng hưởng từ MRI tim:  Phương pháp này cho thấy hình ảnh cấu trúc tim một cách chi tiết nhằm phát hiện hình thái bất thường của các lá van tim, cơ tim, cấu trúc và thể tích buồng tim, chức năng tim một cách khách quan và trung thực

Phát hiện sớm các bệnh lý về hẹp van tim giúp người bệnh giảm nguy cơ tiến triển thành suy tim, đánh giá được thời gian cần thiết thay van tim nhân tạo. Do đó hãy thăm khám định kỳ sức khỏe tim mạch nhằm phát hiện bệnh lý van tim cũng như theo dõi sự tiến triển của bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm sự tiến triển thành suy tim.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết