Nhận biết một số rối loạn nhịp tim thường gặp: Rối loạn nhịp nhanh, nhịp chậm
Nhận biết một số rối loạn nhịp tim thường gặp: Rối loạn nhịp nhanh, nhịp chậm
Các rối loạn nhịp tim thường gặp
Các rối loạn nhịp tim thường gặp - Ảnh: BookingCare

Nhận biết một số rối loạn nhịp tim thường gặp: Rối loạn nhịp nhanh, nhịp chậm

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 23/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 23/10/2023
Loạn nhịp tim có thể gặp như nhịp tim chậm, nhanh, không đều,... tùy thuộc vào loại rối loạn nhịp tim người bệnh gặp phải. Xem thêm bài viết dưới đây để biết về các rối loạn nhịp tim thường gặp.

Có nhiều loại rối loạn nhịp tim, nhìn chung, có thể phân loại, nhóm theo tốc độ của nhịp tim:

  • Rối loạn nhịp nhanh - nhịp tim nhanh: Nhịp tim khi nghỉ ngơi lớn hơn 100 nhịp một phút.
  • Rối loạn nhịp chậm - nhịp tim chậm: Nhịp tim khi nghỉ ngơi là dưới 60 nhịp một phút.

Thông tin một số rối loạn nhịp tim thường gặp

Các loại rối loạn nhịp tim nhanh

Rung nhĩ (A-fib)

Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim rất thường gặp. Tín hiệu tim hỗn loạn gây ra nhịp tim nhanh, đôi khi có thể chậm, không phối hợp được nhĩ và thất (mất đồng bộ nhĩ thất). Hai buồng tâm nhĩ co bóp một cách bất thường. Nhịp nhĩ có thể đập hơn 400 lần một phút.

Cuồng nhĩ (A-flutter)

Cuồng nhĩ tương tự như rung tâm nhĩ, nhưng nhịp tim có tổ chức và đều đặn hơn. Rung nhĩ và cuồng nhĩ cũng liên quan đến đột quỵ. Cuồng nhĩ xảy ra thường xuyên nhất ở những người mắc bệnh tim và trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật tim.

Nhịp nhanh kịch phát trên thất

Nhịp tim nhanh kịch phát trên thất bắt nguồn từ các cấu trúc ở trên tâm thất. Cơn nhịp nhanh xảy ra một cách đột ngột hoặc mất đi cũng đột ngột. Trong cơn bệnh nhân có thể thấy tim đập rất nhanh, rung cả lồng ngực, đôi khi gây triệu chứng choáng váng, tụt huyết áp, ngất.

Rung thất

Loại rối loạn nhịp tim này xảy ra khi tâm thất rung lên và không thể co bóp hoặc bơm máu đến phần còn lại của cơ thể. Tình trạng này sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu nhịp tim bình thường không được phục hồi trong vòng vài phút. Hầu hết những người bị rung tâm thất đều có bệnh tim tiềm ẩn hoặc từng trải qua chấn thương nghiêm trọng.

Nhịp nhanh thất

Đây là nhịp tim nhanh bắt đầu từ buồng dưới của tim (tâm thất). Nhịp tim nhanh không cho phép tâm thất chứa đầy máu. Kết quả là tim không thể bơm đủ máu đi nuôi cơ thể.

Trong một số trường hợp nhịp nhanh thất ngắn có thể không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi nhịp nhanh thất kéo dài đặc biệt ở những người có chức năng tim kém, nhịp tim nhanh thất có thể dẫn đến tụt huyết áp, ngưng tim và là một trường hợp cấp cứu cần được điều trị y tế ngay lập tức.

Các rối loạn nhịp tim chậm

Mặc dù nhịp tim dưới 60 nhịp/phút khi nghỉ ngơi được coi là nhịp tim chậm, nhưng nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh lý tim mạch. Nếu có thể lực tốt, tim vẫn có thể bơm đủ máu đi khắp cơ thể với nhịp đập dưới 60 nhịp một phút khi nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, nếu có nhịp tim chậm và tim không bơm đủ máu gây ra các triệu chứng như choáng váng, nặng ngực, khó thở, ngất…, bạn có thể mắc bệnh nhịp tim chậm. Các loại rối loạn nhịp tim chậm bao gồm:

Hội chứng nút xoang bệnh

Nút xoang chịu trách nhiệm thiết lập nhịp tim. Nếu nút xoang không hoạt động bình thường, nhịp tim có thể thay đổi giữa quá chậm (nhịp tim chậm) và quá nhanh (nhịp tim nhanh). Hội chứng nút xoang bệnh có thể do sẹo gần nút xoang làm chậm, gián đoạn hoặc ngăn chặn sự di chuyển của các xung động. Hội chứng nút xoang bệnh thường gặp ở người lớn tuổi.

Hiện tượng chẹn dẫn truyền (Conduction block)

Sự tắc nghẽn đường dẫn điện của tim có thể khiến các xung động kích hoạt nhịp tim chậm lại hoặc ngừng hẳn. Một số có thể không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng nào và một số khác có thể gây ra nhịp tim chậm có hoặc không có triệu chứng.

Nếu bạn cảm thấy tim mình đập quá nhanh hoặc quá chậm hoặc lỡ nhịp, hãy thăm khám với bác sĩ. Người bệnh sẽ được chỉ định các thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán để xác định rối loạn nhịp tim gặp phải và có hướng điều trị phù hợp. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare