Nhận biết triệu chứng loạn thị và một số phương pháp cải thiện

Tác giả: - Xuất bản: 26/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 27/02/2024
Triệu chứng loạn thị thường gặp
Loạn thị có thể biểu hiện thông qua nhiều triệu chứng khác nhau - Ẩnh: BookingCare
Các triệu chứng loạn thị bao gồm tầm nhìn mờ hoặc hình ảnh khi nhìn bị bóp méo, mờ nhòe, mỏi mắt, khó chịu ở mắt,... Tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Tật khúc xạ bao gồm: cận, viễn thị và loạn thị. Loạn thị có thể đơn thuần hoặc phối hợp đồng thời với cận hoặc viễn thị gây ảnh hưởng đến thị lực người bệnh. Đọc thêm trong bài viết về các triệu chứng loạn thị.

Các triệu chứng thường gặp khi mắc loạn thị

Loạn thị là tình trạng bán kính cong của giác mạc không đều, dẫn tới mắt nhìn mờ do ảnh của vật bị nhoè trên võng mạc.

Mờ mắt, lóa mắt, nhìn nhầm, nhoè

Người mắc loạn thị thường gặp các triệu chứng như nhìn mờ cả xa và gần, ảnh mắt nhìn bị nhoè, méo mó, mất nét và không rõ ràng nên hay nhìn nhầm chữ, lệch hàng,…

Ngoài ra, khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh, người bị loạn thị có thể rất nhạy cảm, cảm thấy chói và nhức mắt hoặc nhìn thấy xuất hiện các hiện tượng mờ mờ xung quanh nguồn sáng.

Ngoài ra, loạn thị còn thể gây hiện tượng nhìn đôi, nhìn ba do bóng mờ, cảm giác hai hình ảnh chồng lên nhau không rõ ràng. Điều này ảnh hưởng đến khả năng đọc, lái xe hoặc tham gia vào các hoạt động hàng ngày của người bệnh.

Mỏi mắt

Người mắc loạn thị thường cảm thấy mỏi, mắt do liên tục phải tập trung nhìn vào một vật trong khoảng thời gian dài, đặc biệt là khi đọc sách, làm việc trên máy tính hoặc nhìn vào các đối tượng cần phân biệt chi tiết.

Nheo mắt, nghiêng đầu để nhìn

Khó đọc cả hàng chữ do nhìn nhầm/lệch hàng

Khó nhìn vào ban đêm

Người bị loạn thị thường cảm thấy khó quan sát vào ban đêm, nhất là khi tham gia giao thông. Việc mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng khiến cho người loạn thị gặp khó khăn khi quan sát ở môi trường thiếu ánh sáng hoặc bị kích thích khi gặp nguồn sáng mạnh trong bóng tối.

Rối loạn tầm nhìn

Người mắc tật này có thể gặp vấn đề khi phân biệt các khoảng cách trong không gian do chức năng thị giác 2 mắt bị hạn chế

Giảm cảm thụ màu sắc

Một số trường hợp loạn thị có thể gặp khó khăn trong việc nhìn và phân biệt màu sắc thường ngày. Người bệnh có thể suy giảm hoặc mất khả năng phân biệt giữa các màu, tông màu tương tự. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng quan sát và phân biệt chi tiết đối tượng theo màu sắc.
Nguyên nhân gây loạn thị

  • Tính chất gia đình, đặc biệt người có cả bố và mẹ bị loạn thị thì nguy cơ cao bị loạn thị.
  • Tổn thương mắt gây sẹo giác mạc.
  • Bị cận thị hoặc viễn thị quá nặng.
  • Tiền sử phẫu thuật mắt, như phẫu thuật đục thủy tinh thể, giác mạc.
  • Tuổi tác cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tật loạn thị. Thực tế, người cao tuổi thường có nguy cơ mắc tật loạn thị cao hơn người trẻ.

Một số phương pháp cải thiện triệu chứng loạn thị

Để giảm thiểu và cải thiện các triệu chứng loạn thị, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp chăm sóc như sau:

  • Thực hiện lối sống lành mạnh: ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc để đảm bảo thị lực và sức khỏe tổng thể.
  • Điều chỉnh ánh sáng phù hợp khi học tập, làm việc hoặc giải trí và hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mạnh; hạn chế việc nhìn vào màn hình điện tử trong thời gian dài.
  • Sử dụng kính cận hoặc kính áp tròng theo chỉ định của bác sĩ để hỗ trợ thị lực và giảm triệu chứng loạn thị.
  • Thực hiện bài tập mắt đơn giản như: xoay mắt, nhìn xa và gần để tăng cường cơ mắt và cải thiện khả năng nhìn.
  • Thực hiện kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về thị lực.

Loạn thị có thể gây ra những ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt của trẻ nếu không được điều chỉnh và khắc phục kịp thời. Vì vậy, bạn đọc cần chú ý theo dõi và áp dụng các biện pháp hạn chế và giảm thiểu tình trạng này. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị loạn thị phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết