Loạn thị: Dấu hiệu, nguyên nhân, sống chung với bệnh
loạn thị
Loạn thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi - Ảnh: BookingCare

Loạn thị: Dấu hiệu, nguyên nhân, sống chung với bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 25/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Loạn thị là một vấn đề phổ biến gặp phải trong cuộc sống hiện đại, được nhiều người quan tâm. Đọc bài viết này để hiểu về nguyên nhân, triệu chứng của loạn thị và cách sống chung hiệu quả với bệnh.

Giác mạc và thể thuỷ tinh là hai thấu kính trong suốt, đóng vai trò quan trọng trong hệ quang học của mắt Thông thường, thấu kính này cong đều, nên khi nhìn các vật sẽ hội tụ rõ nét tại hoàng điểm của võng mạc và chúng ta có thể nhìn rõ các hình ảnh.

Loạn thị xảy ra khi một trong hai hoặc cả hai thấu kính trên không cong đều mà bị “méo" làm cho hình ảnh quan sát sau khi đi vào mắt không thể hội tụ rõ nét ở hoàng điểm mà thành một ảnh nhòe do vậy ta không nhìn rõ vật.

Loạn thị có thể gây ra khó khăn trong việc quan sát, gây mỏi nhức mắt và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc hàng ngày. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về bệnh loạn thị để tìm kiếm giải pháp và chăm sóc sức khỏe mắt hiệu quả, hợp lý.

Dấu hiệu loạn thị

Có nhiều loại loạn thị tùy thuộc vào phối hợp của loạn thị với cận thị và viễn thị: Loạn cận đơn thuần, loạn cận kép, loạn viễn đơn thuần, loạn viễn kép, loạn thị hỗn hợp. Tùy thuộc vào loại loạn thị và mức độ loạn thị mà gây ảnh hưởng khác nhau đến chức năng thị giác.

Nhìn chung, các triệu chứng loạn thị bao gồm:

  • Tầm nhìn mờ hoặc hình ảnh khi nhìn bị bóp méo, mờ nhòe
  • Mỏi mắt, khó chịu ở mắt
  • Nhìn đôi, nhìn một vật có hai hoặc ba bóng mờ
  • Nhức đầu và mỏi mắt (vùng trán và thái dương)
  • Cần nheo mắt để nhìn rõ
  • Khó khăn khi nhìn vào ban đêm
  • Trẻ em hay phải nghiêng đầu khi nhìn

Trẻ em khi bị loạn thị có thể không nhận ra những dấu hiệu này, đó là lý do vì sao việc khám mắt định kỳ cho trẻ nhỏ là cần thiết.

Nếu không điều trị loạn thị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhược thị nhất là với trẻ em, giảm thị lực từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công việc.

Nguyên nhân loạn thị

Loạn thị là do sự cong bất thường của giác mạc hoặc thủy tinh thể của mắt. Với chứng loạn thị, những tia hình ảnh không hội tụ tại một điểm mà hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc làm cho tín hiệu hình ảnh bị thay đổi và ảnh hưởng hình ảnh tạo ra.

Loạn thị có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới loạn thị:

  • Tiền sử gia đình có người bị loạn thị hoặc có các rối loạn ở mắt
  • Tổn thương sẹo giác mạc gây loạn thị không đều
  • Tiền sử chấn thương mắt, phẫu thuật đục thủy tinh thể và các phẫu thuật giác mạc
  • Tuổi tác: Người cao tuổi mắt sẽ trở lên loạn thị dần

Lưu ý: Xem tivi nhiều, đọc sách trong điều kiện không đủ ánh sáng không phải nguyên nhân gây ra bệnh loạn thị.

Mắt bình thường và mắt loạn thị
Mắt bình thường và mắt loạn thị - Ảnh: healthline.com

Chẩn đoán loạn thị

Loạn thị là một hình thái trong nhóm bệnh tật khúc xạ ở mắt, gây giảm và rối loạn thị lực. Hãy đến gặp hoặc đưa trẻ đến gặp các bác sĩ nhãn khoa nếu nhận thấy những thay đổi về thị lực nhìn mờ, nhoè, nhức mỏi mắt,...

Các bác sĩ sẽ đo thị lực, đo khúc xạ mắt sẽ phát hiện được tật loạn thị. Một số trường hợp đặc biệt các bác sĩ sẽ cho chụp bản đồ giác mạc, đo khúc xạ khách quan để có chẩn đoán chính xác.

Phương pháp điều trị loạn thị

Trong trường hợp nhẹ, bệnh loạn thị có thể không cần điều trị hay can thiệp quá nhiều. Trường hợp nặng, cần phải điều trị để tránh bệnh diễn biến nặng hoặc gây ra nhược thị.

Những phương pháp phổ biến được ứng dụng để điều trị loạn thị bao gồm:

  • Điều chỉnh bằng kính đeo. Đây là biện pháp đơn giản, được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao, ít để lại biến chứng và chi phí rẻ. Bệnh nhân nên tìm hiểu và đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn cụ thể.
  • Phẫu thuật:
    • Một số trường hợp bị loạn thị nặng và đeo kính không đạt kết quả hoặc không muốn sử dụng kích có thể cân nhắc phẫu thuật khúc xạ.
    • Đây là phương pháp sử dụng tia laser để đổi độ cong giác mạc, điều chỉnh loạn thị, tuy nhiên chỉ áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên, độ loạn thị ổn định và không bị các bệnh mắt khác.
  • Sử dụng kính áp tròng cứng (Orthor- K):
    • Kính áp tròng cứng được thiết kế đặc biệt để đeo vào ban đêm nhằm làm thay đổi tạm thời hình dáng của giác mạc trong khi ngủ, giúp mắt có thể nhìn rõ vào sáng hôm sau và duy trì tình trạng này suốt cả ngày.
    • Tuy nhiên, cần tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ về cách đeo kính, cách vệ sinh kính để tránh các biến chứng như viêm, nhiễm trùng có thể làm mất thị lực vĩnh viễn.

Sống chung với loạn thị

Sống chung với bệnh loạn thị có thể đòi hỏi một số điều chỉnh và thay đổi trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số gợi ý để tránh tăng độ loạn thị và giảm thiểu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống:

  • Trong nhiều trường hợp, đeo kính là một giải pháp đơn giản và hiệu quả để điều chỉnh tình trạng loạn thị. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa để tìm loại kính phù hợp với mức độ loạn thị để tránh những bất tiện trong cuộc sống.
  • Thực hiện các bài tập thư giãn, làm giảm căng thẳng cho mắt như xoay mắt, nhìn xa và gần, thư giãn mắt,...
  • Duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống các chất dinh dưỡng cần thiết cho mắt như vitamin A, C và E. Hạn chế việc tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình điện tử và đảm bảo rằng bạn đủ giấc ngủ.
  • Kiểm tra thị lực định kỳ giúp theo dõi, kiểm tra tình trạng mắt và thay đổi độ kính phù hợp nếu độ loạn gia tăng.
  • Đối với những người bị loạn thị, tránh căng thẳng mắt là rất quan trọng. Hãy nhớ thực hiện các biện pháp bảo vệ mắt như nghỉ ngơi sau mỗi khoảng thời gian làm việc và sử dụng đèn chiếu sáng phù hợp.

Trên đây là những thông tin quan trọng về loạn thị và những nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách điều trị. Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe mắt là quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào liên quan đến thị lực.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết