Lồng ruột là một tình trạng cấp cứu y tế. Nhận biết sớm các triệu chứng của tình trạng này giúp trẻ được điều trị kịp thời, tránh nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.
Khi trẻ bị lồng ruột, một phần ruột lồng vào bên trong đoạn ruột khác gây ra tắc ruột. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tắc ruột ở trẻ nhỏ. Lồng ruột thường gặp ở trẻ em hơn người lớn.
Bởi vì trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thường chưa thể diễn đạt ngôn ngữ rõ ràng nên dấu hiệu đầu tiên của trẻ bị lồng ruột có thể là đột ngột khóc to và co đầu gối về phía bụng. Thực tế là trẻ bị đau bụng dữ dội nên xuất hiện những triệu chứng này.
Cơn đau trong bệnh cảnh lồng ruột xảy ra không liên tục, kéo dài khoảng 15-20 phút/lần. Theo thời gian, nếu lồng ruột không được tháo, cơn đau sẽ càng dồn dập hơn khiến trẻ quấy khóc nhiều hơn.
Ngoài ra, trẻ có thể biểu hiện triệu chứng khác như bụng chướng, nôn ói, phân có lẫn máu và chất nhầy,...
Ở trẻ lớn, bên cạnh những dấu hiệu kể trên, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng khác bao gồm:
Không phải tất cả trẻ bị lồng ruột đều có đầy đủ các triệu chứng trên đây. Nhiều trẻ chỉ biểu hiện một số triệu chứng nhất định. Một số trẻ có thể biểu hiện tình trạng sốc do giảm thể tích hoặc viêm phúc mạc, hoại tử ruột. Đây là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khiến trẻ bứt rứt, môi tái, da lạnh, tim đập nhanh, huyết áp giảm. Trẻ cần được cấp cứu ngay lập tức nếu bị sốc.
Lồng ruột khiến đoạn ruột này không có máu lưu thông, các mô trong ruột có thể bắt đầu chết và hoại tử, dẫn đến thủng ruột và viêm phúc mạc.
Viêm phúc mạc biểu hiện với triệu chứng đau liên tục khắp vùng bụng, có thể kèm theo tình trạng sốc, cần phải được điều trị cấp cứu.
Các triệu chứng của lồng ruột có thể nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh đường tiêu hoá nói chung. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nêu trên, cha mẹ cần khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.