Lồng ruột là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 13/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 13/01/2024
Lồng ruột là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị
Lồng ruột là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị - Ảnh: BookingCare
Lồng ruột là nguyên nhân phổ biến gây tắc ruột ở trẻ nhỏ. Vậy nguyên nhân của lồng ruột là gì, được điều trị như thế nào? Mời phụ huynh tham khảo nội dung dưới đây.

Lồng ruột là gì?

Lồng ruột xảy ra khi một phần ruột của trẻ bị lồng vào bên trong một đoạn khác gây ra tình trạng tắc nghẽn và khiến thức ăn đang tiêu hoá không lưu thông được.  

Lồng ruột khiến thành của hai đoạn ruột ép vào nhau gây kích ứng và sưng viêm, cuối cùng làm giảm lưu lượng máu đến đoạn ruột bị lồng gây thiếu máu, thậm chí có thể hoại tử và thủng ruột.

Lồng ruột là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tắc ruột ở trẻ dưới 2 tuổi, với 65% trường hợp xảy ra trước 1 tuổi và 80 - 90% trường hợp xảy ra trước 2 tuổi. Ở trẻ trên 4 tuổi, lồng ruột thường xảy ra ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ.

lồng ruột
Lồng ruột ở trẻ em - Ảnh: mayoclinic.org

Nguyên nhân gây ra lồng ruột?

Hiện tại nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng lồng ruột ở trẻ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, thông thường các trường hợp xảy ra nhiều hơn vào mùa thu và mùa đông, trùng hợp với mùa viêm ruột do virus.

Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ được biết đến có thể khiến trẻ bị lồng ruột cao hơn bao gồm:

  • Trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ cao mắc lồng ruột. 
  • Trẻ trên 4 tuổi, bệnh lồng ruột thường ảnh hưởng đến nam nhiều hơn nữ.
  • Bất thường cấu trúc ruột khi mới sinh: Ruột xoay bất toàn là tình trạng ruột không phát triển hoặc xoay không đúng cách khi trẻ mới sinh làm tăng nguy cơ lồng ruột. 
  • Một số tình trạng rối loạn khác như: trẻ mắc bệnh Crohn, bệnh celiac

Triệu chứng lồng ruột ở trẻ 

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh lồng ruột ở trẻ khỏe mạnh có thể là khóc to đột ngột do đau bụng, có thể kèm theo triệu chứng co gối vào  ngực.

Cơn đau do lồng ruột ban đầu thường ngắt quãng, kéo dài 15 đến 20 phút một lần. Nếu lồng ruột không cải thiện, cơn đau sẽ xuất hiện liên tục hơn và khoảng cách cơn đau rút ngắn hơn.

Ngoài ra, các triệu chứng khác của lồng ruột như:

  • Phân có lẫn máu và chất nhầy
  • Nôn ói
  • Có thể sờ được một khối u ở bụng
  • Mệt mỏi, ăn bú kém
  • Tiêu chảy

Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có tất cả các triệu chứng này. Vì vậy, khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác.

Biến chứng của lồng ruột ở trẻ em

Lồng ruột khiến máu không thể đến phần ruột bị ảnh hưởng, nếu không được điều trị, thiếu máu sẽ khiến mô thành ruột bị hoại tử và thủng. Hậu quả có thể dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc nặng nề hơn.

Viêm phúc mạc là một tình trạng đe dọa tính mạng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Các triệu chứng của viêm phúc mạc bao gồm:

  • Đau khắp vùng bụng
  • Bụng chướng nề 
  • Sốt
  • Nôn mửa

Viêm phúc mạc có thể khiến trẻ bị sốc với các triệu chứng:

  • Da lạnh, môi tái
  • Mạch nhanh nhẹ khó bắt
  • Thở nhanh hoặc chậm
  • Trẻ bứt rứt, đừ, li bì
  • Tiểu ít

Trẻ bị sốc có thể còn tỉnh táo hoặc bất tỉnh. Nếu cha mẹ nghi ngờ trẻ bị sốc, cần phải đưa trẻ vào thẳng khoa cấp cứu ngay lập tức.

Chẩn đoán lồng ruột

Thông thường, để chẩn đoán lồng ruột trước hết bác sĩ sẽ khám lâm sàng, khai thác tiền căn và bệnh sử. Nếu trẻ lồng ruột, bác sĩ có thể sờ thấy khối u gần giống với hình dạng xúc xích ở vùng bụng. 

Hiện nay, siêu âm là phương tiện chẩn đoán được ưu tiên, vì thực hiện dễ dàng, tương đối rẻ tiền và an toàn. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể cần chụp thêm CT-Scan bụng.

Điều trị lồng ruột ở trẻ

Lồng ruột là trường hợp khẩn cấp, cần được điều trị ngay để tránh tình trạng mất nước và sốc nghiêm trọng, cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng có thể xảy ra khi một phần ruột hoại tử do thiếu máu.

Các lựa chọn điều trị cho bệnh lồng ruột có thể bao gồm:

  • Bơm hơi: được dùng để tháo lồng, kỹ thuật này sẽ làm giảm bớt khả năng gây thủng ruột và hậu quả của thủng ruột. Phương pháp này có tỷ lệ thành công từ 75-95%. Sau khi được tháo lồng nhờ bơm hơi, trẻ cần phải được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. Trường hợp không thể tháo lồng hoặc thủng ruột sẽ cần phẫu thuật ngay lập tức.
  • Phẫu thuật: Bác sĩ phẫu thuật sẽ tháo lồng, làm sạch ruột và loại bỏ các mô hoại tử (nếu cần). 

Trong một số trường hợp, trẻ có thể tự tháo lồng mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, trẻ vẫn cần được theo dõi tại cơ sở y tế.

Hầu hết trẻ em bị lồng ruột được điều trị trong vòng 24 giờ đầu đều hồi phục hoàn toàn mà không gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, trẻ có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Do đó, nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu lồng ruột, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Vì lồng ruột ở trẻ em chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng nên không có cách phòng tránh cụ thể đối với bệnh lý này. Tuy nhiên, với chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp trẻ có sức khoẻ tốt và hạn chế khả năng gặp phải các bệnh lý về đường tiêu hoá.