Lồng ruột ở trẻ em được điều trị như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 02/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 13/01/2024
Lồng ruột ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Lồng ruột ở trẻ em được điều trị như thế nào? - Ảnh: BookingCare
Lồng ruột cần được nhận biết và điều trị sớm, bởi đây là trường hợp khẩn cấp nếu không được điều trị có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa ở trẻ em, cần được điều trị càng sớm càng tốt. Hầu hết trẻ được điều trị trong vòng 24 giờ đầu sau khi bị lồng ruột đều phục hồi tốt. Nếu cha mẹ nghi ngờ trẻ có các dấu hiệu của lồng ruột, nên đưa trẻ đến thẳng khoa cấp cứu của bệnh viện.

Thông thường, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, khai thác bệnh sử và chỉ định siêu âm bụng. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng khối lồng và các biến chứng có thể có.

Điều trị lồng ruột ở trẻ em

Hiện nay phương pháp điều trị lồng ruột cho trẻ chủ yếu là bơm hơi tháo lồng. Nếu tháo lồng thất bại, trẻ sẽ được phẫu thuật.

Bơm hơi để tháo lồng

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành đặt một ống thông nhỏ vào lòng trực tràng cùng với hướng dẫn của Xquang. Sau đó, bác sĩ sẽ từ từ bơm hơi vào trực tràng với một áp lực vừa phải cho tới khi khối ruột đang lồng vào nhau được tháo ra hoàn toàn.

Bơm hơi sẽ giúp hạn chế khả năng gây thủng ruột. Phương pháp tháo lồng này có tỷ lệ thành công cao từ 75-95%. Sau khi tháo lồng, trẻ cần được theo dõi tại bệnh viện cho đến khi tình trạng ổn định và không có biến chứng nào khác, thông thường là trong vòng 24 giờ.

Phẫu thuật

Các trường hợp trẻ bị lồng ruột cần phẫu thuật bao gồm:

  • Trường hợp bị tắc ruột cần phải phẫu thuật ngay.
  • Không đáp ứng với các phương pháp điều trị ít xâm lấn.
  • Trường hợp hoại tử hoặc thủng ruột.

Thông thường, trẻ có thể được thực hiện phẫu thuật nội soi với một vài vết mổ nhỏ hoặc trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần phẫu thuật mổ hở. Sau phẫu thuật, trẻ cần phải ở lại bệnh viện vài ngày theo dõi cho đến khi ruột hoạt động trở lại và có thể ăn uống bình thường.

Như vậy, việc phát hiện sớm tình trạng của trẻ quyết định rất lớn đến việc trẻ được điều trị như thế nào. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ có bất kỳ triệu chứng nào của lồng ruột, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng.