Nếu đường huyết của bạn hạ xuống dưới mức 3,9 mmol/L tức là bạn đã gặp phải chứng hạ đường huyết. Khi đường huyết hạ xuống thấp cũng sẽ có các biểu hiện đi kèm. Đặc biệt, ở người bệnh đái tháo đường cần nhận biết sớm các dấu hiệu hạ đường huyết bởi nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy kịch.
Triệu chứng hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường
Triệu chứng hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường có thể tiến triển từ nhẹ cho đến nặng. Bạn nên chú ý đến các dấu hiệu hạ đường huyết ngay từ giai đoạn khởi phát, bao gồm:
- Tay chân bủn rủn, run rẩy
- Cảm giác lâng lâng, chóng mặt
- Đổ mồ hôi
- Cảm thấy đói hoặc buồn nôn
- Cơ thể mệt mỏi, không có năng lượng
- Đau đầu
- Tê ở môi, lưỡi và má
- Tầm nhìn mờ, khó tập trung
Trường hợp hạ đường huyết nặng, người bệnh sẽ có triệu chứng thay đổi nhận thức, giảm khả năng nói, lú lẫn, co giật hoặc bất tỉnh, thậm chí còn có nguy cơ tử vong.
Ngoài ra, hạ đường huyết còn rất dễ xảy ra về đêm, sẽ khiến bạn mất ngủ và kèm theo các biểu hiện:
- Da nóng, đổ nhiều mồ hôi khiến ga gối bị ẩm
- Giấc ngủ chập chờn, cảm giác khó chịu bứt rứt
- Thay đổi nhịp thở, thở nhanh hoặc thở chậm đột ngột
- Nhịp tim nhanh
- Gặp ác mộng, đôi khi đánh thức bạn khỏi giấc ngủ
- Cơ thể mệt mỏi, cảm thấy đau đầu, khó chịu khi tỉnh giấc
Cách xử lý người bệnh đái tháo đường bị hạ đường huyết
Nếu bạn nhận thấy bản thân hoặc người quen xung quanh có triệu chứng hạ đường huyết, nhưng còn tỉnh táo và nuốt được, hãy lập tức thực hiện các biện pháp sau để xử lý:
- Cho người bệnh ăn hoặc uống carbohydrate nhanh: 15 gam glucose tan trong nước, 3 viên glucose, nửa ly nước ép trái cây, 1 thìa canh mứt đậm đặc, …
- Sau đó 15 phút, cần kiểm tra chỉ số đường huyết xem có còn thấp hay không thì cần tiếp tục bổ sung thêm carb nhanh như trên để đưa chỉ số đường huyết về bình thường, không còn ở mức nguy hiểm (<3,9 mmol/L), cần lặp lại đủ 3 lần. Nếu đường huyết đã ổn, cần ăn lại trong vòng 2 giờ. Nếu bữa ăn tiếp theo trên 2 giờ, cần ăn 1 bữa phụ
- Với người bệnh đái tháo đường, cần đặc biệt lưu ý nhanh chóng ngừng ngay việc sử dụng các thuốc loại uống hạ đường huyết hoặc insulin
Với trường hợp người bệnh đã rơi vào tình trạng bất tỉnh và hôn mê thì tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì bởi có thể gây sặc vào đường hô hấp. Trường hợp này nên liên hệ ngay các chuyên gia y tế để được xử lý bằng cách tiêm tĩnh mạch dung dịch đường glucose 10-20% để cung cấp glucose nhanh chóng.
Với những thông tin trên đây, hy vọng đã giúp người bệnh đái tháo đường và cả người thân nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để có cách xử lý kịp thời, tránh trường hợp tiến triển nặng, rơi vào nguy kịch. Người bệnh đái tháo đường nên chủ động trong việc kiểm soát nồng độ đường trong máu của cơ thể nhằm giảm tối thiểu nguy cơ xảy ra tình trạng hạ đường huyết.