Những biến chứng nguy hiểm của chứng bàn chân bẹt
Bàn chân bẹt có nguy hiểm không?
Bàn chân bẹt có nguy hiểm không? - Ảnh: BookingCare

Những biến chứng nguy hiểm của chứng bàn chân bẹt

Tác giả: - Xuất bản: 06/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 02/01/2024
Chứng bàn chân bẹt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm liên quan đến các vấn đề về hệ xương khớp. Do đó, hội chứng này cần được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và có các biện pháp phòng ngừa biến chứng hiệu quả.

Bàn chân bẹt là một tình trạng phổ biến ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, việc bàn chân bị bẹt có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào mức độ và việc chữa trị kịp thời. Nếu không được điều trị sớm, bàn chân bẹt có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Bàn chân bẹt có nguy hiểm không? Có những biến chứng nào nghiêm trọng?

Có thể nhận biết biến dạng bàn chân bẹt qua quan sát lòng bàn chân thấy phẳng lì và không rõ vòm cong tự nhiên. Tưởng chừng như tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình và dáng đi của người bệnh, nhưng nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời, bàn chân bẹt có thể gây ra những khó khăn trong sinh hoạt của trẻ và phát sinh các bệnh lý liên quan đến Cơ Xương Khớp khác.

Cụ thể, ảnh hưởng của bàn chân bẹt khiến dáng đi của người bệnh có xu hướng đi thành hình chữ V, đầu gối chạm vào nhau, do đó, khi chạy nhảy hoặc vận động mạnh có thể gây đau nhức.

Ngoài ra, bàn chân bẹt còn có thể gây ra các vấn đề về xương khớp sau:

  • Viêm khớp mắt cá chân: Mắt cá chân là một trong những bộ phận trực tiếp chịu tác động bởi phản lực từ mặt đất khi vòm chân không phát triển bình thường. Tình trạng này khi kéo dài có thể làm tổn thương khớp và những mô mềm xung quanh, dẫn đến viêm.
  • Thoái hóa khớp gối: Bàn chân bẹt có thể gây thoái hóa khớp gối do xương cổ chân xoay đổ vào trong hoặc ra ngoài. Nếu không điều chỉnh kịp thời, bệnh tiến triển có thể gây thoái hóa khớp gối ở cả người trẻ.
  • Cong vẹo cột sống: Tình trạng bàn chân bẹt có thể gây biến dạng cấu trúc xương, có nguy cơ tác động tới cột sống. Điều này khiến cột sống phát triển bất thường, lâu dần trở nên cong vẹo. Theo thời gian, tình trạng cong vẹo cột sống rất dễ gây cản trở trong công việc và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • Dị dạng ngón chân: Bàn chân bẹt có thể gây biến dạng ngón chân cái và ngón chân hình búa.
  • Viêm gân Achilles: Viêm gân Achilles là một biến chứng nghiêm trọng của bàn chân bẹt. Tình trạng này gây đau nhức thường xuyên ở gân Achilles, gây khó khăn trong việc đi lại và thực hiện các hoạt động hàng ngày.
  • Viêm cân gan chân: Đây là kết quả của sự không đồng đều trong cấu trúc xương bàn chân, dẫn đến sự phát triển không đều của xương ngón chân và gây ra tình trạng viêm.

Cách phòng ngừa biến chứng bàn chân bẹt

Để phòng ngừa những biến chứng không mong muốn từ hội chứng bàn chân bẹt, cần thực hiện theo các khuyến cáo sau:

  • Chọn giày phù hợp: Đảm bảo bạn sử dụng giày phù hợp, có độ nâng vòm chân và hỗ trợ cấu trúc chân. Ngoài ra, hạn chế việc sử dụng giày cao gót hoặc giày có đế phẳng
  • Sử dụng đệm chân và các biện pháp hỗ trợ: Dùng các loại đệm chân để hỗ trợ tạo vòm chân và phân bố đều lực lên chân
  • Tập thể dục và tăng cường cơ bắp chân: Thực hiện các bài tập tập trung vào cơ bắp chân và vùng vòm chân để tăng cường sức mạnh và linh hoạt cho chân. Các bài tập kéo giãn gót chân, lăn bóng bằng chân, nâng vòm chân và nâng chân với bục có thể được thực hiện
  • Hỗ trợ y tế: Nếu bạn đang gặp phải chứng bàn chân bẹt, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng ngừa và điều trị 

Chứng bàn chân bẹt không chỉ là một vấn đề về thẩm mỹ mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ y tế kịp thời để hạn chế các vấn đề phát sinh không mong muốn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết