Những cách giúp giảm căng cơ tại nhà đơn giản, nhanh chóng
Những cách giúp giảm căng cơ tại nhà đơn giản, nhanh chóng
Chườm đá giảm căng cơ
Cách giảm căng cơ tại nhà đơn giản, dễ thực hiện - Ảnh: BookingCare

Những cách giúp giảm căng cơ tại nhà đơn giản, nhanh chóng

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/01/2024
Để giảm căng cơ, đau nhức cơ bắp, cứng cơ có thể dành thời gian nghỉ ngơi, chườm nóng/chườm lạnh, kê cao vùng bị căng cơ, xoa bóp giảm đau,...

Căng cơ có thể xảy ra ở bất kỳ cơ nào nhưng thường gặp nhất là căng cơ bắp chân, căng cơ cổ gáy, vai và vùng lưng,... ‎‎Trường hợp căng cơ nhẹ sẽ gây đau, căng cứng nhưng người bị vẫn có thể cử động. Trong khi căng cơ nghiêm trọng thường rất đau đớn, hạn chế vận động, cần kết hợp điều trị để hồi phục với thời gian lâu hơn.

Dưới đây là một số cách xử trí có thể thực hiện tại nhà để giảm căng cơ và phòng tránh căng cơ khi tập luyện.

Một số cách giúp giảm căng cơ tại nhà

Nghỉ ngơi

Dừng các hoạt động thể chất để tránh làm tình trạng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên tùy vào tình trạng không nên nghỉ ngơi quá lâu, có thể khiến cơ bắp trở nên yếu đi. Sau một vài ngày, hãy trở lại từ từ với những bài tập, vận động nhẹ nhàng, chú ý không vận động quá sức.

Chườm lạnh, chườm nóng

  • Chườm lạnh trong vài giờ đầu sau khi bị chấn thương, không chỉ làm giảm sưng mà còn tác động đến thần kinh, làm chậm sự dẫn truyền tín hiệu đau. Chườm lạnh trong 10 - 15 phút, khoảng 3 - 4 lần mỗi ngày trong ngày đầu tiên sau chấn thương.
  • Không chườm đá trực tiếp lên da, cần bọc đá vào túi hoặc khăn lau.
  • Trong các ngày tiếp theo, chuyển sang chườm nóng, nhiệt làm kích thích lưu thông máu, giãn cơ và làm giảm đau. Lưu ý, không chườm nóng ngay sau khi chấn thương.

Kê cao vùng bị căng cơ

Nếu có thể, hãy kê cao vùng đau - nâng cao hơn so với tim, giúp cho máu lưu thông hiệu quả hơn đồng thời giúp giảm áp lực xuống chi dưới, giúp giảm sưng hoặc đau nhức chân. 

Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn

Có thể sử dụng một số thuốc giảm đau không kê đơn như Aspirin, Ibuprofen (Motrin và Advil) hoặc Nproxen (Aleve) để giảm đau nhức tại nhà.

Xoa bóp giảm đau do căng cơ

Xoa bóp là phương pháp giãn cơ hiệu quả trong Đông Y. Nguyên lý điều trị giảm đau của liệu pháp xoa bóp giãn cơ dựa trên sự tác động đến các mô cơ, nhờ đó thúc đẩy dẻo dai, giảm căng cứng cơ tại chỗ. 

Việc xoa bóp bấm huyệt giãn cơ cần được thực hiện bởi người có chuyên môn và cần thăm khám trước, đánh giá tình trạng trước khi thực hiện.

Bên cạnh xoa bóp khi bị căng cơ, bạn cũng có thể sử dụng thêm một số loại thuốc xoa bóp giãn cơ dạng gel, dạng kem,... để tăng hiệu quả.

Tùy thuộc vào mức độ căng cơ, tình trạng có thể cải thiện sau vài ngày hoặc vài tuần. Nếu cơn đau kéo dài hơn 2 tuần hoặc trở nặng mặc dù đã thực hiện các cách điều trị giảm đau, cần sắp xếp đi khám sớm.

Nếu bắt đầu tập thể dục hoặc chơi thể thao trở lại trước khi cơ lành lại hoàn toàn, bạn sẽ có nguy cơ tái chấn thương cao hơn và khiến cơ bị tổn thương nặng hơn so với tình trạng căng cơ ban đầu.

Bạn cũng cần lưu ý một khi đã bị căng cơ, bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị tổn thương cơ đó một lần nữa trong tương lai. Đảm bảo khởi động kỹ trước khi tập thể dục hoặc chơi thể thao, đồng thời cho cơ thể thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sau các hoạt động cường độ cao. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết