Những dấu hiệu bệnh lang ben thường gặp

Tác giả: - Xuất bản: 25/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Dấu hiệu bệnh lang ben
Dấu hiệu bệnh lang ben - Ảnh: BookingCare
Lang ben là một căn bệnh da liễu thường gặp, phổ biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết mình có dấu hiệu mắc bệnh lang ben hay không.

Lang ben là bệnh nhiễm nấm phổ biến do Malassezia furfur gây ra. Bệnh khiến da đổi màu thành các đốm trắng, vàng, đỏ, hồng hoặc nâu, gây ngứa và thường xuất hiện ở vai, lưng, ngực.

Dấu hiệu bệnh lang ben cần được nhận biết chính xác để đưa ra phác đồ điều trị đúng đắn vì có không ít người nhầm lẫn căn bệnh này với bệnh bạch biến hoặc một số bệnh ngoài da khác.

Ai có thể bị lang ben?

Bệnh lang ben có thể ảnh hưởng đến toàn bộ mọi người trên toàn thế giới. Những người sống ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới có nguy cơ mắc bệnh lang ben cao nhất, đặc biệt bệnh phổ biến trong những tháng hè.

Trẻ em và thanh thiếu niên đang ở tuổi dậy thì cũng dễ bị mắc bệnh lang ben vì đây là lúc các tuyến dầu trên da hoạt động mạnh. Người đang mang thai do thay đổi nội tiết tố cũng có thể bị lang ben.

Ngoài ra, lang ben cũng dễ xuất hiện ở những người có hệ thống miễn dịch yếu dùng thuốc như corticosteroid hoặc mắc bệnh tiểu đường.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh lang ben

So với các bệnh da liễu khác thì lang ben có triệu chứng tương đối điển hình. Bạn có thể dễ dàng nhận biết thông qua một số biểu hiện thường gặp dưới đây:

  • Trên bề mặt da có sự xuất hiện của các đốm có màu khác lạ, thường là trắng, hồng hay nâu.
  • Bề mặt đốm thường bằng phẳng, ít khi gồ lên. Không đau, ngứa ít và có ranh giới khá rõ ràng so với các vùng da khỏe mạnh lân cận.
  • Tổn thương giảm sắc tố khiến da có màu trắng thường sẽ xuất hiện vào mùa hè.
  • Còn tổn thương màu nâu hay hồng thì có thể là hệ quả từ phản ứng viêm do nấm gây ra.
  • Những tổn thương trên da mà bệnh lang ben gây ra thường có hình đa cung hay hình bầu dục với kích thước dao động từ khoảng 1 – 3cm.
  • Lang ben có thể phát triển ở dạng nhiều đốm nhỏ, mọc khu trú tại một vài vùng da và đôi khi cũng dễ lan rộng ra thành từng mảng lớn.
  • Thống kê ghi nhận, bệnh chủ yếu ảnh hưởng tới phần trên của cơ thể, đặc biệt là vùng da mặt, cổ, ngực hay lưng.
  • Tổn thương trên da hầu như không gây đau rát, có thể gây ngứa ngáy khó chịu, nhất là khi có phản ứng cào gãi.
  • Trên bề mặt tổn thương thường xuất hiện vảy da mịn.

Phân biệt lang ben với các bệnh ngoài da khác

  • Bạch biến:

Bệnh lý này thường làm xuất hiện các mảng da mất sắc tố khác với giảm sắc tố của lang ben tuy nhiên dễ bị nhầm lẫn với lang ben. Tuy nhiên, bệnh bạch biến đa phần không gây ngứa. Đồng thời cũng không có vảy mịn trên bề mặt tổn thương và đặc biệt là không lây nhiễm.

Cơ chế hình thành bệnh hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy nó có liên quan với yếu tố di truyền.

  • Vảy nến phấn hồng Gibert:

Vảy nến phấn hồng Gibert đặc trưng bởi tình trạng da bị nổi rát có màu nâu vàng hình dạng oval và có vảy bong. Bệnh có thể gây ngứa hoặc không.

Theo nhận định từ các chuyên gia thì vảy nến phấn hồng Gibert có liên quan tới yếu tố tự miễn. Đi kèm với đó là sự tác động từ một số yếu tố khác, thường gặp nhất là do virus.

  • Viêm da dầu:

Đây là một dạng tổn thương da mãn tính có liên quan tới nhiễm vi nấm Malassezia. Tuy nhiên, tổn thương do bệnh viêm da dầu gây ra thường có vảy bong màu trắng hay nâu vàng, vảy bóng dính. Trên bề mặt da thường tiết nhiều dầu. Vùng mặt hay da đầu dễ bị ảnh hưởng nhất.

Ngoài các bệnh lý được đề cập trên đây thì có thể chẩn đoán phân biệt bệnh lang ben với một số bệnh lý khác. Ví dụ như Erythrasma, bệnh chàm khô hay bệnh giang mai giai đoạn 2.

Những dấu hiệu bệnh lang ben dễ nhầm lẫn với các bnh về da khác, vì vậy bạn không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh lang ben mà cần tham khảo và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ Da liễu.