Những dấu hiệu mắc tiểu đường thai kỳ mà mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý

Tác giả: - Xuất bản: 15/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Dấu hiệu nhận biết tiểu đường thai kỳ - Ảnh: BookingCare
Dấu hiệu nhận biết tiểu đường thai kỳ - Ảnh: BookingCare
Tìm hiểu về các triệu chứng, dấu hiệu bệnh tiểu đường thai kỳ góp phần giúp mẹ bầu thực hiện các biện pháp chăm sóc và kiểm soát bệnh sớm và hợp lý.

Tiểu đường thai kỳ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Nhận biết các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ từ sớm sẽ giúp mẹ bầu có biện pháp kiểm soát bệnh hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ bầu nắm được các dấu hiệu bệnh tiểu đường thai kỳ và cách chăm sóc bệnh hiệu quả tại nhà. 

Dấu hiệu mẹ bầu đang mắc bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào mà chỉ được phát hiện khi thai phụ đi xét nghiệm sàng lọc bệnh.  Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi đường huyết của thai phụ tăng quá cao, sẽ xuất hiện một số triệu chứng như:

  • Liên tục cảm thấy khát
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Cảm thấy khô miệng
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Tầm nhìn mờ
  • Ngứa hoặc nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục
  • Tăng cân quá nhanh so với khuyến cáo

Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng này, mẹ bầu nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác cũng như nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên môn.

Cách chăm sóc tại nhà cho mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ

Chăm sóc cho mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ đòi hỏi sự chú ý, quan tâm kỹ càng và đặc biệt để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là một số cách chăm sóc tại nhà cho mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ:

  • Chế độ ăn uống khoa học: Mẹ bầu nên lập kế hoạch ăn uống lành mạnh và cân đối với sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Hạn chế đường và tinh bột, tập trung vào thực phẩm giàu chất xơ, rau quả, nguồn protein và chất béo không bão hòa.
  • Theo dõi đường huyết thường xuyên: Theo dõi đường huyết đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hãy sử dụng thiết bị đo đường huyết để kiểm tra thường xuyên mức đường huyết và ghi chép lại kết quả.
  • Uống nhiều nước: Nước là dung môi cho quá trình chuyển hóa đường thành năng lượng tế bào. Duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể bằng cách uống đủ lượng nước hàng ngày.
  • Tập thể dục thường xuyên: Mẹ bầu cần thảo luận với bác sĩ về việc tập thể dục an toàn khi mắc tiểu đường thai kỳ. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát đường huyết và duy trì sức khỏe.
  • Kiểm soát cân nặng: Khi mang thai, các mẹ bầu khó có thể tránh khỏi tình trạng tăng cân. Tuy nhiên, việc tăng cân quá mức có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần chú ý đến việc ăn uống và tập luyện để duy trì cân nặng hợp lý
  • Đảm bảo ngủ đủ: Cố gắng có đủ giấc ngủ để duy trì sức khỏe và tinh thần tốt.
  • Kiểm soát stress: Mẹ bầu rất dễ gặp phải stress do quá trình mang thai, cộng thêm mắc tiểu đường thai kỳ. Do đó, mẹ bầu nên học cách quản lý stress thông qua yoga, thiền, hoặc các hoạt động cộng đồng giúp giảm stress.
  • Thăm khám định kỳ: Thường xuyên thăm khám và báo cáo tình trạng sức khỏe của mẹ bầu với bác sĩ để đảm bảo phác đồ điều trị đang diễn ra suôn sẻ.

Những dấu hiệu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ thường rất khó nhận biết, chúng diễn ra âm thầm và chỉ có thể phát hiện bệnh khi mẹ bầu thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Vì vậy, mẹ bầu nên đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phương án điều trị kịp thời và trực tiếp từ bác sĩ. Tuân thủ tốt lịch trình khám thai và các xét nghiệm tầm soát trong quá trình thăm khám.