Bệnh gout là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp có thể xuất hiện ở bất kì ai. Chủ động phòng ngừa và theo dõi sức khỏe để nhận biết sớm các triệu chứng là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn rủi ro biến chứng.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh gout
Bệnh gout là nỗi ám ảnh của nhiều người, được biết đến với những cơn đau dữ dội, đột ngột và rất khó để điều trị. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn những cơn đau nhức này với các bệnh lý khác và không điều trị kịp thời.
Dưới đây là những biểu hiện thường gặp của người mắc bệnh gout:
Đau khớp dữ dội
Những cơn đau do bệnh gout thường xuất hiện ở ngón chân cái nhưng nó cũng có thể xảy ra ở bất kỳ khớp xương nào khác như: đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, bàn tay, ngón tay, khuỷu tay, cổ tay,...
Cơn đau trở nên trầm trọng, dữ dội nhất trong vòng 4 - 12 giờ kể từ khi bắt đầu.
Những cơn đau nhức kéo dài
Sau khi cơn đau dữ dội nhất giảm bớt, cảm giác khó chịu ở khớp có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Các đợt đau xuất hiện sau này có thể kéo dài hơn và ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn.
Vùng bị gout có hiện tượng viêm, sưng và đỏ
Khớp hoặc phần mềm bị ảnh hưởng trở nên sưng, mềm, ấm và đỏ. Có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường.
Các khớp gặp khó khăn trong cử động
Khi bệnh gút tiến triển, người bệnh có thể không thể cử động khớp bình thường được, khớp bị đau, nhức, khó hoạt động khiến người bệnh gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống.
Các biến chứng thường gặp của bệnh gout
Ngay khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, người bệnh cần tới bệnh viện kiểm tra ngay lập tức, đề phòng trường hợp phát hiện bệnh muộn tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
Bệnh gout tái phát
Một số người có thể không bao giờ gặp lại các dấu hiệu và triệu chứng bệnh gout nữa. Những người khác lại có thể bị bệnh gout nhiều lần mỗi năm. Thuốc có thể giúp ngăn ngừa các cơn gout ở những người bị bệnh gout tái phát. Nếu không được điều trị, bệnh gout có thể gây xói mòn và phá hủy khớp.
Mắc bệnh sỏi thận
Theo số liệu thống kê, khoảng 20% bệnh nhân mắc bệnh gout cũng bị sỏi thận do sự tích tụ của các tinh thể urat và calci tạo thành. Tình trạng này gây ra suy giảm chức năng thận, tắc nghẽn và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Xuất hiện hạt Tophi
Bệnh gout không được điều trị có thể khiến tinh thể urat hình thành dưới da trong các nốt gọi là tophi. Tophi có thể phát triển ở một số khu vực, chẳng hạn như ngón tay, bàn tay, bàn chân, khuỷu tay hoặc gân Achilles dọc theo phía sau mắt cá chân của bạn. Hạt tophi thường không gây đau nhưng chúng có thể bị sưng và đau khi bị bệnh gout tấn công.
Người bệnh có nguy cơ cao bị hoại tử khớp và tàn phế khi các hạt tophi vỡ gây ra loét, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng dẫn đến viêm khớp, để lâu dẫn đến hỏng khớp.
Nhiều người lầm tưởng rằng bệnh gout chỉ xuất hiện ở bàn chân hoặc ngón chân cái. Trên thực tế gout có thể xuất hiện ở cả chi trên, chi dưới và cả tổ chức da, cơ, thậm chí ở sụn vành tai dẫn đến nhiều trường hợp tự ý điều trị tại nhà sai cách như: xoa thuốc, dán cao,... khiến bệnh không được phát hiện kịp thời và tiến triển nặng hơn.
Ngay khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng đau nhức dữ dội bất thường, đặc biệt là theo từng cơn, người bệnh cần thăm khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất.