Những điều bạn cần biết về iod phóng xạ điều trị ung thư tuyến giáp
Iod phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến giáp được ứng dụng rộng rãi trong điều trị - Ảnh: BookingCare
Iod phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến giáp được ứng dụng rộng rãi trong điều trị - Ảnh: BookingCare

Những điều bạn cần biết về iod phóng xạ điều trị ung thư tuyến giáp

Tác giả: - Xuất bản: 17/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 24/02/2024
Iod phóng xạ là một trong những liệu pháp phổ biến ứng dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp Quá trình thực hiện liệu pháp này cần được giám sát bởi các bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính chiếm 90% trong số các ung thư của hệ thống nội tiết, đứng thứ 10 trong số các ung thư phổ biến trên thế giới. Theo thống kê của Globocan năm 2018, ung thư tuyến giáp chiếm 3,1 % trong số các ung thư nói chung. Trong quá trình nghiên cứu và phát triển phương pháp điều trị, iod phóng xạ đã trở thành một lựa chọn hiệu quả và được sử dụng rộng rãi.

Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nguyên lý cũng như ứng dụng của phương pháp này đối với người bệnh ung thư tuyến giáp.

Iod phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến giáp là gì?

Iod phóng xạ là quá trình sử dụng chất phóng xạ để thực hiện các ứng dụng trong lĩnh vực y học, đặc biệt là trong điều trị và chẩn đoán bệnh.

Từ Iod bình thường có thể sử dụng các máy gia tốc để chế biến thành 2 loại có khả năng giải phóng các tia phóng xạ (radiation) được sử dụng cho mục đích y khoa: 

  • I-123 (vô hại với tế bào tuyến giáp, thường dùng để chẩn đoán).
  • I-131 (có thể phá hủy tế bào tuyến giáp, được sử dụng cho cả chẩn đoán và điều trị). 

Trong ung thư tuyến giáp các tế bào ung thư có khả năng bắt giữ và tập trung I-131 như tế bào tuyến giáp bình thường. Khi I-131 được đưa vào cơ thể sẽ tập trung vào tế bào, tổ chức ung thư, tia beta do I-131 phát ra sẽ tiêu diệt tế bào ung thư. Do đó liệu pháp iod phóng xạ được sử dụng trong ung thư tuyến giáp nhằm mục đích tiêu  diệt hết các tế bào tuyến giáp còn sót lại sau mổ.

Tuy nhiên do  dùng liều cao nên các bệnh nhân cần phải  cách ly trong khoảng 24h tại bệnh viện để tránh ảnh hưởng đến cộng đồng, đặc biệt là những trẻ em sống trong cùng gia đình.

Hiệu quả của iod phóng xạ chưa rõ ràng ở những trường hợp ung thư kích thước nhỏ khu trú ở trong và chưa lan ra ngoài tuyến giáp vì khối u có thể được lấy bỏ hoàn toàn sau phẫu thuật. 

Liệu pháp iod phóng xạ được chỉ định đối với các ung thư tuyến giáp thể biệt hoá như thể nhú, thể nang, ngược lại liệu pháp này không được sử dụng đối với các ung thư tuyến giáp bất thục sản (không biệt hóa) và ung thư tuyến giáp thể tủy vì những thể này không bắt giữ iod phóng xạ. Bệnh nhân nên hỏi bác sĩ về lợi ích và tác hại của điều trị iod phóng xạ trước khi sử dụng phương pháp này.

Hoạt động của iod phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến giáp

Iod phóng xạ là một phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp dựa trên khả năng của iod hấp thụ vào tuyến giáp. Đây là cách hoạt động chính của iod phóng xạ:

  • Hấp thụ iod: tuyến giáp là một cơ quan chính trong cơ thể có khả năng hấp thụ iod từ máu. Mặc dù iod là một chất cần thiết để tạo ra hormone tuyến giáp, nhưng tế bào ung thư tuyến giáp thường hấp thụ iod nhiều hơn so với tế bào khỏe mạnh.
  • Ứng dụng iod phóng xạ: dung dịch iod chứa iod phóng xạ được chỉ định cho bệnh nhân uống. Do tính chất hấp thụ tuyến giáp sẽ hấp thụ iod từ dung dịch này, bao gồm cả iod phóng xạ được cung cấp.
  • Tác động lên tế bào ung thư: iod phóng xạ phát ra tia gamma, gây tổn thương cho tế bào ung thư xung quanh. Tác động của tia gamma giúp tiêu diệt và làm suy giảm khả năng sinh sản của tế bào ung thư.
  • Giảm kích thước và nguy cơ tái phát: qua thời gian, tế bào ung thư bị hủy hoại và giảm kích thước. Ngoài ra, việc tiêu diệt tế bào ung thư còn giúp giảm nguy cơ tái phát của bệnh.

Chuẩn bị điều trị ung thư bằng iod phóng xạ

Để việc điều trị có hiệu quả, một trong những điều kiện trước khi thực hiện là nồng độ hormone trong cơ thể bạn phải cao. Hormon này được gọi là hormon kích thích tuyến giáp (TSH). Mức TSH cao giúp bất kỳ tế bào ung thư tuyến giáp nào trong cơ thể hấp thụ iod phóng xạ.

Để tăng mức TSH, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một trong những điều sau:

  • Tiêm TSH nhân tạo gọi là TSH tái tổ hợp của con người (rhTSH) mỗi ngày một lần trong 2 ngày
  • Ngừng dùng thuốc hormon tuyến giáp vài tuần trước khi điều trị.

Các bác sĩ điều trị sẽ giải thích những gì người bệnh cần làm và những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị. 

Hầu hết các bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân ung thư nên tuân thủ chế độ ăn có chứa ít iod trong 1 hoặc 2 tuần trước khi điều trị bằng phương pháp này. Điều này sẽ làm tránh được các thực phẩm chứa muối iod và thuốc nhuộm đỏ, cũng như các sản phẩm từ sữa, trứng, hải sản và đậu nành.

Trước khi tiến hành Iod phóng xạ, bệnh nhân cần hạn chế các thực phẩm từ hải sản
Trước khi tiến hành Iod phóng xạ, bệnh nhân cần hạn chế các thực phẩm từ hải sản - Ảnh: Freepik

Một số tác hại của iod phóng xạ gây ra

Iod phóng xạ là một chất phóng xạ có sự phân rã không ổn định được ứng dụng trong y học để chẩn đoán và điều trị ung thư. Sự tiếp xúc không kiểm soát với iod phóng xạ có thể dẫn đến nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với sức khỏe con người và môi trường sống.

Iod phóng xạ khi sử dụng có thể gây ra một số tác hại đối với con người gồm:

  • Gây ung thư
  • Tác động lên sự tạo ra hormone
  • Gây ra tổn thương tế bào
  • Gây ra biến đổi gen
  • Một số tác dụng phụ ngắn hạn có thể gặp: Đau và sưng vùng cổ, buồn nôn và nôn, đau và sưng các tuyến nước bọt, khô miệng,...

Nhìn chung, điều trị I-131 là phương pháp an toàn và có hiệu quả cao. Tuy có sự lo ngại nhưng các nghiên cứu theo dõi trong thời gian dài không thấy có hậu quả nghiêm trọng. Nguy cơ gây ung thư tuyến giáp và các nguy cơ khác vẫn còn sự tranh cãi và nếu có thì là rất thấp.

Tuy nhiên các bệnh nhân điều trị I-131 cần phải đi khám bệnh thường xuyên để phát hiện sớm các biến chứng, bao gồm cả ung thư. Biến chứng phổ biến nhất là suy giáp nhưng may mắn là rất dễ điều trị. Các biến chứng khác có thể gặp như khô miệng và mất vị giác do tuyến nước bọt bị phá hủy.

Các lưu ý đặc biệt cho phụ nữ:

  • Không bao giờ được dùng Iod phóng xạ, dù là I-123 hay I-131 để chẩn đoán hay điều trị cho các phụ nữ có thai.
  • Những phụ nữ muốn có con phải đợi ít nhất 6-12 tháng sau điều trị I-131, vì buồng trứng cũng có nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ.
  • Cho đến nay không có bằng chứng nào về việc điều trị Iod phóng xạ có thể gây vô sinh, nhưng nó có thể gây mãn kinh sớm.

Các lưu ý đặc biệt cho nam giới: Các bệnh nhân nam được điều trị Iod phóng xạ có thể bị giảm số lượng tinh trùng và bị vô sinh tạm thời trong khoảng 2 năm. Vì thế các bệnh nhân phải điều trị Iod phóng xạ nhiều đợt (ví dụ ung thư tuyến giáp) thì nên gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng.

Các biện pháp phòng tránh tác hại của iod phóng xạ

Các biện pháp phòng tránh tác hại của iod phóng xạ đối với sức khỏe người bệnh cần được áp dụng một cách cẩn thận và đặc biệt chú ý. Dưới đây là một số biện pháp phòng tránh hiệu quả:

  • Thực hiện chẩn đoán và điều trị chính xác
  • Sử dụng liều lượng thấp
  • Đánh giá rủi ro và lợi ích trong điều trị bằng phương pháp này.
  • Theo dõi sức khỏe sau quá trình sử dụng
  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
  • Sử dụng thuốc chống độc phối hợp
  • Tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh

Bệnh nhân cần lưu ý sau khi điều trị bằng iod phóng xạ:

  • Nghỉ làm
  • Hạn chế xuất hiện ở nơi công cộng
  • Không nên đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng
  • Duy trì khoảng cách an toàn với người khác > 1m
  • Uống nhiều nước
  • Xả toilet 2 – 3 lần sau khi đi đại, tiểu tiện
  • Ngủ ở giường cách ly, cách giường khác > 2m
  • Tránh tiếp xúc lâu với trẻ em và phụ nữ có thai

Dinh dưỡng cho bệnh nhân điều trị ung thư tuyến giáp bằng iod phóng xạ

Thực phẩm không nên sử dụng trong thời kỳ ăn kiêng iod

Một số loại thực phẩm bệnh nhân điều trị ung thư tuyến giáp bằng iod phóng xạ không nên sử dụng gồm:

  • Muối iod, muối biển, thức ăn có hàm lượng muối cao, đồ uống đóng chai.
  • Các loại vitamin tổng hợp có chứa iod (nên đọc kỹ thành phần của thuốc).
  • Sữa hoặc sản phẩm từ sữa: kem, pho mai, bơ, sữa chua, yogurt.
  • Hải sản biển: cá, sushi, sò, tảo, rong biển, đồ khô, hun khói (mực, cá…).
  • Các loại bánh quy, bánh gato.
  • Lòng đỏ trứng, thức ăn có lòng đỏ trứng.
  • Hoa quả sấy khô.
  • Rau, quả đóng hộp.
  • Thực phẩm từ đậu nành (nước sốt, sữa, đậu).

Thực phẩm có thể ăn trong thời kỳ ăn kiêng iod

Một số loại thực phẩm bệnh nhân điều trị ung thư tuyến giáp bằng iod phóng xạ có thể sử dụng gồm:

  • Muối không chứa iod. Nếu không chắc chắn là muối có chứa iod hay không thì nên rang lên, cho vào lọ dùng dần, vì khi rang lên thì i ốt thăng hoa hết.
  • Lòng trắng trứng.
  • Thịt động vật tươi.
  • Bánh mì (không có sữa, muối iod, bơ, sữa…).
  • Rau, quả tươi hoặc đông lạnh.
  • Nước hoa quả tươi (sinh tố).
  • Sản phẩm từ ngũ cốc (gạo, lúa mì, …)
  • Đào, lê, dứa đóng hộp.
  • Chè, cafe nguyên chất.
  • Dầu thực vật, hạt tiêu đen, ớt.
  • Đường, mứt, thạch, mật ong.

Việc sử dụng iod phóng xạ cần được đưa ra thảo luận chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo rằng liệu pháp là lựa chọn phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi bệnh nhân. Sự hiểu biết đầy đủ về quá trình điều trị, chuẩn bị trước quy trình, quản lý sau điều trị và tác dụng phụ có thể giúp bệnh nhân và gia đình họ tự tin hơn khi đối mặt với những thách thức trong việc điều trị ung thư tuyến giáp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết