Xuất bản: 07/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 30/01/2024
Những điều bạn cần biết về viêm xoang cấp tính - Ảnh: BookingCare
Viêm xoang cấp là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có xu hướng tăng do điều kiện môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm bởi khói bụi, hoá chất độc hại. Dưới đây là nguyên nhân, biểu hiện và cách chăm sóc tại nhà hiệu quả cho người mắc bệnh viêm xoang bạn có thể tham khảo.
Viêm xoang là tình trạng viêm các xoang xung quanh mũi, xảy ra khi không dẫn lưu được mủ ứ đọng trong xoang, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Viêm xoang cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc xoang mà trước đó niêm mạc xoang hoàn toàn bình thường, nếu người bệnh không được điều trị đúng và kịp thời dễ dẫn đến tình trạng viêm xoang mạn tính.
Biểu hiện của viêm xoang cấp tính
Xoang hàm là nơi có kích thước lớn nhất và lỗ dẫn lưu của xoang chủ yếu dẫn vào mũi, vì vậy khi có tình trạng viêm mũi gây ứ đọng dịch thì đây sẽ là nơi bị viêm nhiễm đầu tiên, triệu chứng nổi bật là đau căng tức vùng má và lan xuống hàm trên. Viêm xoang cấp tính gây ra các triệu chứng bao gồm:
Biểu hiện của một tình trạng nhiễm trùng: mệt mỏi, sốt nhẹ, kém ăn. Ở trẻ em thường biểu hiện rõ ràng và sốt cao.
Đau nhức, cảm giác nặng vùng má, trán, hai bên thái dương, hay đau lan xuống hàm trên của răng và lan lên nửa đầu.
Chảy dịch từ mũi xuống họng, dịch màu xanh hoặc màu vàng.
Ngạt mũi dẫn đến ngửi kém.
Ho, biểu hiện có thể tồi tệ hơn vào ban đêm, hơi thở hôi.
Người bệnh ít khi chỉ mắc bệnh viêm xoang đơn độc mà thường mắc phối hợp với tình trạng viêm mũi.
Khi xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm để chẩn đoán nguyên nhân, hạn chế biến chứng của bệnh viêm mũi xoang
Các bệnh lý ở răng lợi như viêm lợi, sâu răng, viêm tuỷ,... đều có thể gây viêm xoang.
Viêm nhiễm do virus: rhinovirus, cúm, parainfluenza.
Do nấm xâm nhập ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, bệnh nhân nằm viện lâu ngày, HIV/AIDS,...).
Bất thường về giải phẫu như dị hình ở các vách ngăn, khe giữa ở xoang, trong xoang và hốc mũi làm cản trở sự thông khí và dẫn lưu của xoang.
Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản: trào ngược dịch vị acid từ dạ dày lên thực phản, họng, thanh quản gây viêm nhiễm vùng mũi họng, trong đó có viêm xoang.
Tình trạng bệnh có thể nặng hơn do một số yếu tố nguy cơ:
Dị ứngvới các tác nhân như phấn hoa, lông chó mèo, bọ, mạt, ve, bụi bẩn từ môi trường sống hàng ngày.
Hít phải khói thuốc lá quá nhiều.
Xét nghiệm chẩn đoán viêm mũi xoang
Nội soi vùng mũi họng là phương pháp rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh viêm mũi xoang do có thể chẩn đoán chính xác tổn thương giữa các khe mà khám thông thường sẽ không thể nhìn thấy.
Phương pháp này bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ hỗ trợ nội soi có gắn đèn và camera đưa vào sâu bên trong mũi và các xoang, hình ảnh tổn thương được chiếu lên màn hình đã được kết nối để bác sĩ có thể nhìn rõ các tổn thương bên trong.
Hiện nay với kĩ thuật ngày càng phát triển, các ống nội soi được thiết kế với kích thước nhỏ chất liệu mềm nên bệnh nhân sẽ bớt đau, khó chịu trong quá trình nội soi. Người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa uy tín để việc thăm khám hiệu quả.
Chăm sóc hiệu quả tại nhà khi bị viêm mũi xoang
Viêm xoang có thể chữa khỏi nếu tuân theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó các phương pháp có thể thực hiện tại nhà mà không cần sử dụng thuốc vẫn luôn là mối quan tâm của người bệnh. Nếu bệnh nhân có thể thực hiện đều đặn hàng ngày sẽ giúp đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh và hỗ trợ tăng cường sức khoẻ.
Tuân thủ điều trị của bác sĩ: dùng thuốc đúng, đủ liều lượng theo đơn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn theo lịch. Bệnh nhân không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh.
Rửa mũi 2-3 lần ngày bằng dung dịch vệ sinh mũi hoặc nước muối sinh lý.
Vệ sinh họng, miệng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý để phòng các bệnh viêm mũi họng, hạn chế tái phát bệnh viêm xoang, bởi hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau.
Luôn luôn giữ ấm là điều rất quan trọng trong mùa lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi khi trời lạnh. Nên uống nước ấm.
Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khói, bụi và các hóa chất độc hại.
Tăng cường dinh dưỡng, uống nhiều nước ép trái cây bổ sung vitamin.
Kiểm soát viêm mũi xoang dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ
Trên đây là một số thông tin tổng quan nhất về bệnh viêm xoang cấp tính để bệnh nhân tham khảo và có kiến thức đúng đắn về bệnh lý thường gặp này. Khi có biểu hiện, bệnh nhân cần tới khám các bác sĩ Tai Mũi Họng uy tín.