Những điều cần biết về phương pháp đo hô hấp ký

Tác giả: - Xuất bản: 04/01/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/01/2024
Những điều cần biết về phương pháp đo hô hấp ký
Những điều cần biết về phương pháp đo hô hấp ký - Ảnh: BookingCare
Đo hô hấp ký là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh liên quan đến hệ hô hấp đặc biệt là phổi được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

Đo hô hấp ký (đo phế dung ký) là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến để chẩn đoán các bệnh liên quan đến hô hấp như: tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phế quản, hen suyễn,... Tuy nhiên, đo hô hấp ký vẫn còn là một khái niệm khá xa lạ đối với nhiều người.

Đo hô hấp ký là gì?

Đo hô hấp ký là một loại xét nghiệm chức năng phổi ít xâm lấn và cực kì phổ biến. Phương pháp này sử dụng một dụng cụ chuyên dụng có tên là phế dung kế, có tác dụng đo lượng không khí tối đa mà người bệnh có thể hít vào thở ra. Từ đó đánh giá cơ bản tình trạng hoạt động của phổi.

Công dụng của đo hô hấp ký

Mục đích cơ bản của đo hô hấp ký là kiểm tra khả năng trao đổi khí của phổi, từ đó đưa ra kết luận xoay quanh những triệu chứng mà người bệnh gặp phải. 

Bên cạnh việc chẩn đoán các bệnh liên quan đến hô hấp như: xơ phổi, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính,... đo hô hấp ký còn có những công dụng cụ thể khác như:

  • Xác định dung tích phổi sống của một người: là tổng lượng khí tối đa người đó có thể hít vào và thở ra khi gắng sức.
  • Đo lường những thay đổi chức năng phổi do các bệnh lý khác tác động lên hệ hô hấp..
  • Xác định những thay đổi chức năng phổi của bệnh nhân trong quá trình điều trị COPD, hen phế quản hay các bệnh phổi nghề nghiệp, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn đưa ra hướng điều chỉnh lộ trình điều trị tiếp theo..
  • Phát hiện sớm tình trạng tắc nghẽn đường dẫn khí sâu.
  • Thăm dò chức năng hô hấp của bệnh nhân khi các xét nghiệm khác đưa ra kết quả bất thường gợi ý bệnh lý hô hấp
  • Sàng lọc cho các đối tượng có nguy cơ cao tổn thương đường hô hấp như: hút thuốc lá, làm việc trong môi trường khói bụi, môi trường hóa chất độc hại,...
  • Ước tính nguy cơ biến chứng hô hấp trước khi trải qua phẫu thuật.
  • Đánh giá chức năng phổi trước khi tập thể lực gắng sức, tập phục hồi chức năng.
  • Đánh giá chức năng phổi của bệnh nhân có bệnh lý hô hấp sau một đợt nhập viện điều trị.
  • Đánh giá mức độ tàn phế do bệnh tật gây ra.

Đối tượng cần đo hô hấp ký

Bất kỳ bệnh nhân nào có các bệnh lý hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, xơ phổi, giãn phế quản, các bệnh phổi nghề nghiệp hoặc có các triệu chứng của bệnh lý hô hấp đều có thể đo hô hấp ký. 

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng gợi ý sau, đo hô hấp ký là một kỹ thuật ít xâm lấn được lựa chọn để bác sĩ kiểm tra chức năng phổi:

  • Đau ngực âm ỉ khắp ngực, nặng ngực, khó thở tăng lên khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi
  • Ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu
  • Thở rít hoặc khò khè nhiều
  • Không thể thở sâu
  • Đau tức ngực khi hít thở hoặc thở sâu
  • ...

Những lưu ý trước khi thực hiện đo hô hấp ký

Đo hô hấp ký tuy đơn giản nhưng người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc để đạt được kết quả chính xác nhất, cụ thể như:

  • Mặc quần áo rộng rãi, không bó sát ngực, bụng
  • Không ăn quá nhiều trước khi đo 2 giờ, không uống rượu trước khi đo 4 giờ, không hút thuốc lá trước khi đo 1 giờ và không vận động mạnh trước khi đo 30 phút.
  • Nếu người bệnh sử dụng thuốc giãn phế quản (thuốc, thường là dạng hít, giúp thư giãn và mở rộng đường thở), bệnh nhân phải ngưng sử dụng từ 4 đến 36 giờ tùy thuộc vào loại thuốc hít đang duy trì, hãy nghe kỹ lời dặn của bác sĩ để có thể chuẩn bị tốt nhất trước khi đo hô hấp ký..
  • Thư giãn, không quá lo lắng vì kỹ thuật đo hô hấp ký rất ít xâm lấn, hãy kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân kỹ càng trước khi đo.
  • ...

Đo hô hấp ký tiến hành như thế nào?

Phương pháp này sử dụng thiết bị chuyên dụng gọi là phế dung kế, cần được thực hiện bởi người có kinh nghiệm và hiểu rõ cách sử dụng. Người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa hô hấp kiểm tra chính xác nhất.

Quá trình đo hô hấp ký được tiến hành với các bước cơ bản bao gồm:

  • Người bệnh ngồi trên giường hoặc ghế mềm với tư thế thoải mái nhất
  • Bác sĩ sẽ kẹp mũi của người bệnh bằng một chiếc kẹp mềm, đảm bảo không khí không bị thoát ra ngoài.
  • Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể người bệnh cần phải làm gì ở các bước tiếp theo để người bệnh có thể thử thực hiện trước khi tiến hành thật
  • Người bệnh cần:
    • Hít thật sâu để phổi được không khí lấp đầy
    • Ngậm chặt môi quanh ống ngậm
    • Thở ra nhanh và mạnh nhất có thể, đảm bảo phổi được trống hoàn toàn

Quá trình đo này cần được lặp đi lặp lại ít nhất 3 lần để có thể đảm bảo kết quả nhận được là đáng tin cậy.

Đo hô hấp ký có rủi ro hay tác dụng phụ không?

Đo hô hấp ký là một xét nghiệm khá đơn giản và gần như an toàn tuyệt đối. Một số người có thể cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu, run rẩy, ốm yếu hoặc mệt mỏi trong một thời gian ngắn sau khi thực hiện xét nghiệm do lo lắng quá mức.

Đa số mọi người có thể thực hiện đo hô hấp ký một cách an toàn. Tuy nhiên, xét nghiệm này có thể làm tăng áp lực bên trong đầu, ngực, dạ dày và mắt khi người bệnh thở ra. Vì vậy hô hấp ký cũng có chống chỉ định, bác sĩ thăm khám trước khi cho chỉ định sẽ xem xét tình trạng sức khỏe có chống chỉ định không. Không nên cô gắng thực hiện hô hấp ký nếu thực hiện quá trình đo không thành công hoặc bác sĩ khuyên phải trì hoãn do sức khỏe không cho phép..

Một số chống chỉ định của hô hấp ký được bác sĩ xem xét như sau:

  • Tràn khí màng phổi
  • Mới phẫu thuật vùng ngực hoặc bụng trong vòng 4 tuần.
  • Tình trạng tim mạch không ổn định: rối loạn nhịp tim, hẹp mạch vành chưa có can thiệp, suy tim, hậu nhồi máu cơ tim
  • Nhiễm trùng tai giữa, mũi xoang trong vòng 1 tuần,...

Trên đây là một số thông tin cơ bản về phương pháp đo hô hấp ký mà mọi người cần biết. Nếu cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường liên quan đến phổi hoặc bất kỳ vị trí nào khác, người bệnh cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời.