Bệnh viêm phế quản cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Bệnh viêm phế quản cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 25/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Bệnh viêm phế quản là gì, có nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Viêm phế quản cấp là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến có thể xảy ra ở bất kì ai. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến thành viêm phế quản mạn là một bệnh lý rất khó điều trị. Nắm được các thông tin cơ bản cần thiết về viêm phế quản cấp là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn, phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.

Viêm phế quản cấp là bệnh gì?

Phế quản là một trong những cấu trúc quan trọng của hệ hô hấp, bao gồm những đường dẫn khí lớn nối đến phổi. Những đường dẫn khí lớn này khi đi vào phổi tạo thành các nhánh nhỏ (tiểu phế quản), cuối mỗi tiểu phế quản là túi khí nhỏ (phế nang) - nơi thực hiện quá trình trao đổi oxy từ phổi và carbon dioxide từ máu.

Các bộ phân cơ bản trong cấu trúc hệ hô hấp - Ảnh: Internet

Khi bị viêm phế quản cấp, phế quản xuất hiện tình trạng sưng, viêm và chứa đầy dịch nhầy hay còn gọi là đờm. Biểu hiện thường thấy nhất là người bệnh bị ho dai dẳng, dữ dội. Đây là cách mà cơ thể đang cố tống các dịch nhầy ra khỏi cơ thể.

Phân biệt viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn

Dựa theo tính chất, nguyên nhân, thời gian của bệnh viêm phế quản mà được chia thành 2 loại khác nhau, bao gồm: viêm phế quản mạn tính và viêm phế quản cấp tính.

Dưới đây là những điểm khác nhau cơ bản giữa 2 loại bệnh viêm phế quản này:

Viêm phế quản cấp tính Viêm phế quản mạn tính
  • Viêm phế quản cấp tính thường giới hạn trong vòng vài tuần. Bệnh thường khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng nếu điều trị kịp thời. 
  • Viêm phế quản cấp tính thường do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus gây ra.
  • Viêm phế quản cấp tính thường được điều trị bằng các biện pháp như nghỉ ngơi, uống đủ nước, sử dụng thuốc giảm ho và thuốc kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng.
  • Triệu chứng điển hình bao gồm: viêm mũi họng (hắt hơi, xổ mũi, đau rát họng) ho, đau ngực, khó thở và mệt mỏi.  Có thể kèm theo sốt, cảm lạnh.
  • Viêm phế quản mạn tính kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và xuất hiện trong ít nhất trong 2 năm liên tiếp. Bệnh kéo dài suốt đời và không điều trị khỏi bệnh được. 
  • Viêm phế quản mạn tính thường liên quan đến hút thuốc lá hoặc khói bụi và các tác nhân liên quan đến lối sống, môi trường bên ngoài, tác động trong thời gian dài.
  • Viêm phế quản mạn tính yêu cầu điều trị kéo dài, bao gồm kiểm soát triệu chứng, ngừng hút thuốc lá và sử dụng thuốc điều trị dài hạn.
  • Triệu chứng tương tự như viêm phế quản cấp nhưng mức độ nhẹ hơn và không liên quan đến cảm lạnh. Thường ho đàm kéo dài, tình trạng khó thở lúc đầu ít, sau đó tăng dần.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản cấp

Hơn 90% các trường hợp mắc viêm phế quản cấp được ghi nhận là do virus gây ra. Tuy nhiên, bất kì một tác nhân nào gây kích thích đường dẫn khí cũng có khả năng dẫn đến căn bệnh này.

Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây bệnh viêm phế quản cấp:

  • Virus: chiếm 90% các trường hợp viêm phế quản cấp. Có khá nhiều loại virus có thể gây bệnh viêm phế quản. Một số loại phổ biến nhất có thể kể đến như: Coronavirus , virus cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adenovirus, rhinovirus (cảm lạnh thông thường),...
  • Vi khuẩn: thường gặp nhất là các vi khuẩn không điển hình như Mycplasma và Chlamydia
  • Ô nhiễm: Ô  nhiễm không khí, khói bụi, khói thuốc lá, môi trường làm việc tiếp xúc với hóa chất, khí, khói độc hại,... là tác nhân trực tiếp gây viêm phế quản cấp.
  • Thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe: Người có thói quen hút thuốc lá, hút cần sa hoặc sử dụng những chất kích thích độc hại khác.
  • ...

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm phế quản

Nhắc đến viêm phế quản, nhiều người thường nhớ ngay tới triệu chứng điển hình là ho dai dẳng, dữ dội. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác dẫn đến nhầm lẫn và điều trị sai cách.

Dưới đây là một số triệu chứng cụ thể của bệnh viêm phế quản:

  • Ho dai dẳng, dữ dội trong nhiều ngày liên tiếp
  • Ho kèm theo đờm, có thể kèm theo máu
  • Sốt cao hơn 38 độ C hoặc không sốt
  • Sổ mũi, ngạt mũi, khó thở
  • Mệt mỏi, yếu, suy nhược cơ thể
  • Chán ăn, mất khẩu vị
  • ...

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm phế quản

Các bác sĩ có thể chẩn đoán viêm phế quản thông qua các biểu hiện bên ngoài của người bệnh. Tuy nhiên, để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác (như: viêm phổi, lao, ung thư) bác sĩ có thể cần phải thực hiện một số chỉ định cận lâm sàng cần thiết như sau:

  • Sử dụng que test nước bọt (thường dùng để phát hiện virus cúm hoặc covid - 19)
  • Chụp X - quang ngực
  • Chụp CT
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm đờm
  • Đo chức năng hô hấp để đánh giá tình trạng hộ hấp và mức độ tắc nghẽn của phổi.

Điều trị bệnh viêm phế quản cấp

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cũng như sức khỏe tổng thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. 

Các trường hợp nhẹ

Nếu người bệnh bị viêm phế quản cấp ở mức độ nhẹ, có thể không cần dùng thuốc điều trị. Người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà, bỏ thuốc lá nếu có hút thuốc, giữ ấm, ăn uống khoa học và nghỉ ngơi đầy đủ cho tới khi các triệu chứng tự biến mất.

Trường hợp cần điều trị bằng thuốc hoặc nhập viện

Với các trường hợp nặng hơn cần dùng đến thuốc điều trị, người bệnh có thể được kê đơn điều trị tại nhà. Dưới đây là một số loại thuốc điều trị viêm phế quản phổ biến;

  • Thuốc kháng virus
  • Thuốc giãn phế quản
  • Thuốc giảm ho
  • Thuốc chống viêm
  • Thuốc kháng sinh khi ho kéo dài trên 7 ngày, ho khạc đàm có mủ rõ, viêm phế quản cấp ở người có bệnh mạn tính nặng như suy tim, ung thư … 

Trường hợp bệnh nặng hoặc điều trị bằng thuốc lâu ngày vẫn không khỏi, người bệnh cần nhập viện sớm để được hỗ trợ kịp thời.

Phòng ngừa bệnh viêm phế quản cấp

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản là giảm thiểu rủi ro nhiễm virus và tránh các nguyên nhân gây kích ứng phổi khác.

Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia giúp phòng ngừa bệnh viêm phế quản hiệu quả:

  • Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đặc biệt là những nơi tụ tập đông người.
  • Không tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc có các triệu chứng bệnh bởi virus rất dễ lây lan qua không khí.
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, hạn chế động chạm những nơi không đảm bảo vệ sinh nơi công cộng.
  • Vệ sinh răng miệng, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh đặc biệt là cổ họng khi thời tiết trở lạnh
  • Loại bỏ các yếu tố kích thích: không hút thuốc lá, tránh khói bụi trong, ngoài nhà, môi trường ô nhiễm. 
  • Không khí quá khô cũng có thể gây kích ứng phổi, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà.
  • Tiêm vacxin phòng cúm, phế cầu, đặc biệt khuyến cáo mạnh cho những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, suy tim, cắt lách, tuổi trên 65.
  • Điều trị các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt, tình trạng suy giảm miễn dịch.  

Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh viêm phế quản cấp nhưng rất hữu ích mà mọi người nên biết. Khi cơ thể xuất hiện nhưng biểu hiện bất thường như trong bài viết đã nêu, hãy đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Tránh trường hợp mắc các rủi ro biến chứng nguy hiểm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết