Những điều cần biết về sốt cao liên tục để xử trí sớm

Xuất bản: 04/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 23/02/2024
Thân nhiệt tăng trên 38 độ C kéo dài là tình trạng sốt cao liên tục.
Sốt cao liên tục là tình trạng thân nhiệt tăng trên 38 độ C, kéo dài nhiều tuần - Ảnh: BookingCare
Sốt là hiện tượng tăng thân nhiệt người bệnh, khi thân nhiệt tăng trên 38 độ C đo bất kỳ lúc nào và từ 3 tuần trở lên là sốt cao liên tục kéo dài. Sốt cao có thể do nhiều nguyên nhân, người bệnh cần được điều trị và chăm sóc đúng cách.

Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn thân nhiệt bình thường, đây là biểu hiện hệ thống miễn dịch đang hoạt động để phản ứng lại một số nhiễm trùng trong cơ thể người bệnh. Sốt cao thường do một số nguyên nhân như: nhiễm trùng, tác dụng phụ của thuốc,...

Thông thường, tình trạng sốt chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và khỏi hoàn toàn sau khi điều trị được nguyên nhân. Tuy nhiên, có một số trường hợp người bệnh sốt cao liên tục (từ 38 độ C trở lên ở bất kỳ lần đo) có thể cơ thể đang gặp bệnh lý nguy hiểm.

Vậy sốt cao liên tục nguy hiểm như thế nào, phương pháp điều trị và cách chăm sóc người bệnh ra sao? Cùng tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này qua bài viết dưới đây.

Các nguyên nhân gây sốt cao

Sốt có thể xảy ra do nhiều căn nguyên:

Nhiễm trùng, nhiễm khuẩn

Nhiễm trùng, nhiễm khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây sốt cao liên tục, trong đó nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới (viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, cúm, cảm lạnh, viêm phổi,...) và nhiễm trùng đường tiêu hóa là các bệnh lý gây sốt cao hay gặp nhất.

  • Bệnh lao cũng là một trong những nguyên nhân gây sốt phổ biến do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis và có khả năng lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh gây sốt âm ỉ, liên tục (khoảng 38-38.5 độ C) và tăng lên vào chiều tối, kéo dài trên 3 tuần. 
  • Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây sốt cao và nguy hiểm cho người mắc do virus Dengue gây ra qua trung gian truyền bệnh (muỗi vằn), người bệnh sốt cao đột ngột và liên tục khoảng 39-40 độ C trong vòng 2-7 ngày. 
  • Sốt rét là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Plasmodium qua trung gian truyền bệnh (muỗi Anophen), người bệnh sốt cao, ớn lạnh, nhiệt độ có thể lên tới 39-41 độ C.
  • Ngoài ra còn gặp các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, khối áp xe, viêm nội tâm mạc,...

Sốt do nhiễm virus (sốt virus)

Nhiễm virus như virus cúm (virus cúm A, cúm B), virus á cúm, Adenovirus, Coronavirus,... cũng là nguyên nhân gây sốt, đặc biệt trong thời tiết chuyển mùa, nóng lạnh thất thường.

Sốt virus thường có đặc điểm sốt tăng dần theo diễn biến ngày bệnh, sốt cao liên tục, có thể lên đến 39-40 độ C, tuy nhiên không quá nguy hiểm và có thể khỏi trong vòng 5-7 ngày.

Tác dụng phụ do sử dụng thuốc, vacxin

Sốt có thể xảy ra khi người bệnh sử dụng các thuốc để điều trị bệnh. Sốt có thể kéo dài khoảng 7-10 ngày khi dùng thuốc và tình trạng này mất hoàn toàn khi ngừng sử dụng thuốc.

Các loại thuốc này có thể gây phản ứng dị ứng cho cơ thể người sử dụng và gây sốt:

  • Thuốc kháng sinh( kháng sinh Beta-lactam, sulfonamid, amphotericin B).
  • Thuốc hạ huyết áp hoặc điều chỉnh loạn nhịp tim (procainamid, quinidin).
  • Thuốc an thần và điều trị động kinh (phenytoin, carbamazepine). 

Bệnh tự miễn

Sốt gặp trong bệnh lý tự miễn như: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, xơ cứng bì,... Do xuất hiện các tự kháng thể tấn công vào các cơ quan bộ phận, khiến cơ thể người bệnh bị tổn thương, viêm nhiễm.

Sốt ở người bệnh này thường sốt liên tục và kéo dài, có thể không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Bệnh lý về tuyến giáp

Các bệnh lý về tuyến giáp như cường giáp, viêm tuyến giáp,... Có thể gây rối loạn nồng độ các hormon T3, T4 (đây là các hormon điều hòa quá trình trao đổi chất, duy trì thân nhiệt bình thường). Sự rối loạn về nồng độ này cũng khiến thân nhiệt người bệnh tăng cao, gây sốt liên tục, kéo dài.

Bệnh ung thư

  • Bệnh bạch cầu cấp (leukemia) gây sốt cho người bệnh. Người mắc bệnh này có biểu hiện sốt cao liên tục (trên 38 độ C), thất thường và kéo dài 1 tuần trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hay kháng sinh.
  • Bệnh u lympho Hodgkin hoặc không Hodgkin cũng có dấu hiệu sốt cao kéo dài, vã mồ hôi về đêm và sưng hạch bạch huyết.

Dấu hiệu sốt cao liên tục trở nặng

Khi sốt có biểu hiện trở nặng như sốt quá cao liên tục, kéo dài kèm một số triệu chứng sau, người bệnh cần được cấp cứu và nhập viện theo dõi kịp thời:

Người lớn: 

  • Sốt cao liên tục trên 39 độ C, kéo dài từ 3 ngày trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. 
  • Xuất hiện co giật, phát ban đỏ toàn thân. 
  • Nôn mửa, chán ăn, có thể tiêu chảy, đau bụng. 
  • Khó thở.
  • Đau đầu.
  • Cứng cổ.

Trẻ em:

  • Sốt cao liên tục, kéo dài trên 38.5 độ C.
  • Nôn nhiều lần, chán ăn, có thể kèm tiêu chảy.
  • Mệt mỏi, ngủ li bì.

Trẻ sơ sinh (dưới 3 tháng tuổi):

  • Sốt cao liên tục trên 38 độ C.
  • Bú kém hoặc bỏ bú.
  • Thở nhanh (trên 60 nhịp/phút) kèm khò khè, khó thở hoặc có hiện tượng rút lõm lồng ngực.

Phương pháp điều trị sốt cao liên tục

Sốt cao liên tục muốn điều trị dứt điểm cần tìm ra nguyên nhân gây nên và điều trị nguyên nhân. Tuy vậy, người bệnh vẫn có thể được điều trị để giảm tình trạng sốt cao liên tục, gây mệt mỏi và khó chịu cho người mắc.

  • Sử dụng các thuốc hạ sốt: paracetamol, aspirin, ibuprofen,... Tuy nhiên cần lưu ý:
    • Tránh lạm dụng các thuốc hạ sốt và sử dụng theo đúng liều lượng quy định để không ảnh hưởng tới sức khỏe. 
    • Trẻ em dưới 12 tuổi có biểu hiện cảm cúm không nên dùng aspirin bởi có thể gây biến chứng tổn thương não cấp (Hội chứng Reye).
    • Người nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cũng không nên sử dụng aspirin để hạ sốt bởi sốt xuất huyết có thể có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn tiểu cầu tập kết, chống đông máu nên lại càng làm nặng thêm tình trạng chảy máu (nhất là trường hợp xuất huyết tiêu hóa).
  • Uống nhiều nước. Có thể bù nước, điện giải bằng dung dịch oresol để hạn chế tình trạng mất nước, điện giải do sốt cao liên tục.
  • Cần lưu ý với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, khi trẻ sốt, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, tránh tự ý điều  trị bằng các loại thuốc tại nhà.
Sử dụng thuốc hạ sốt để giảm tình trạng sốt
Uống thuốc hạ sốt để giảm tình trạng sốt của người bệnh - Ảnh: Freepik

Cách chăm sóc người bệnh sốt cao tại nhà

Người bệnh sốt cao liên tục cần được chăm sóc đúng cách tại nhà để giảm tình trạng sốt, nâng cao thể trạng tốt hơn:

  • Theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ 3-4 tiếng 1 lần.
  • Sử dụng thuốc hạ sốt 4-6 tiếng/lần, tránh lạm dụng và sử dụng quá liều hạ sốt.
  • Sốt quá cao nên chườm, lau nước ấm các vùng trán, nếp gấp trên cơ thể người bệnh như nách, bẹn, khuỷu tay, chân để giảm thân nhiệt.
  • Uống nhiều nước, có thể bù nước, điện giải bằng oresol cho người bệnh.
  • Vệ sinh phòng ốc, chăn ga gối sao cho sạch sẽ, thoáng mát, tránh tiếp xúc với người khác để ngừa lây bệnh. Cho người bệnh mặc áo thoáng mát, mềm mại để dễ chịu, thoải mái hơn.
  • Tăng cường bổ sung các loại vitamin, khoáng chất bằng rau củ quả giúp nâng cao thể trạng.
  • Ăn các thực phẩm sạch, tươi ngon, chế biến các món dễ ăn và đổi món các bữa hàng ngày để kích thích sự thèm ăn của người bệnh.

Hy vọng qua bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về sốt cao liên tục cho người đọc, qua đó hiểu rõ những nguyên nhân gây nên sốt, phương pháp điều trị và cách chăm sóc người sốt đúng cách.

Khi thấy dấu hiệu sốt không thuyên giảm, sốt có dấu hiệu trở nặng và kéo dài liên tục, cần đưa người bệnh đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có cách chữa trị phù hợp.