Sốt là triệu chứng phổ biến ở trẻ em. Nhiệt độ bình thường trong cơ thể trẻ em dao động khoảng 36.5-37.5 độ C, trên giới hạn này được gọi là sốt. Tuy nhiên, thông thường sốt có ý nghĩa cần phải hạ sốt là trên 38,5 độ C. Sốt không phải là một bệnh xuất hiện đơn lẻ mà là một phần phản ứng tự nhiên của cơ thể khi bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc xảy ra tình trạng viêm.
Nguyên nhân gây sốt ở trẻ em
Hầu hết các bậc cha mẹ đều nghĩ đến nhiễm trùng khi trẻ bị sốt, nhưng đôi khi các nguyên nhân khác cũng có thể khiến trẻ bị sốt. Bao gồm:
- Nhiễm virus (cúm, cảm lạnh, RSV, thủy đậu,sốt xuất huyết...)
- Nhiễm khuẩn (viêm tai, viêm họng liên cầu khuẩn, sốt tinh hồng nhiệt, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu,...)
- Các bệnh nhiễm trùng khác, bao gồm ký sinh trùng (sốt rét) và nhiễm nấm
- Các bệnh thấp khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp ở trẻ vị thành niên và bệnh lupus
- Ung thư (chẳng hạn như bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch)
- Sốt cũng có thể là tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc (sốt do thuốc), truyền máu hoặc vắc xin.
Mức độ sốt không phản ánh tình trạng bệnh của trẻ. Vì vậy, khi trẻ bị sốt thường xuyên hoặc sốt kéo dài, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nhi khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Triệu chứng sốt ở trẻ em
Các dấu hiệu và triệu chứng đi kèm khi trẻ bị sốt bao gồm:
- Cảm thấy mệt mỏi
- Khó ngủ
- Biếng ăn
- Cáu gắt
- Cảm giác ớn lạnh
- Run rẩy
- Đau đầu
- Đau cơ
- Ảo giác
- Đổ mồ hôi
- Tăng nhịp tim
- Tăng nhịp thở
- Có biểu hiện mất nước
- Nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C
Cách chẩn đoán và điều trị sốt ở trẻ
Thông thường, chẩn đoán sốt cho trẻ qua việc xác định nhiệt độ trên cơ thể. Bạn có thể đo nhiệt độ của bé bằng cách sử dụng nhiệt kế. Một số loại nhiệt kế như:
- Nhiệt kế đo trán, tai: Cho kết quả nhanh, dễ dàng sử dụng ngay cả khi trẻ đang ngủ.
- Nhiệt kế điện tử dạng bút: Không chứa thuỷ ngân nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để đọc kết quả. Có thể sử dụng đo nhiệt độ tại nách, miệng hoặc hậu môn.
- Nhiệt kế đo nhiệt tại hậu môn: Có thể được ưu tiên sử dụng trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi trẻ sơ sinh bị ốm nặng.
Tuỳ thuộc vào sự hợp tác và tình trạng của trẻ mà phụ huynh có thể lựa chọn loại nhiệt kế phù hợp. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng nhiệt kế thuỷ ngân bởi có thể bị vỡ gây ngộ độc và khiến trẻ bị thương trong quá trình sử dụng.
Kết quả đo nhiệt độ:
- Đo nhiệt độ đường hậu môn: Đối với trẻ dưới 4 tháng tuổi, sử dụng nhiệt kế đo hậu môn sẽ có kết quả chính xác. Trẻ bị sốt nếu nhiệt độ đo được trên 38 độ C.
- Đo nhiệt độ đường miệng: Đối với trẻ trên 4 tháng tuổi, có thể sử dụng nhiệt kế đo miệng. Trẻ bị sốt nếu nhiệt độ trên 38 độ C.
- Đo nhiệt độ ở tai: Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể sử dụng tai hoặc thái dương nhưng có thể không chính xác bằng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, đây vẫn là cách đo để có thể xác định trẻ bị sốt tương đối chính xác.
- Đo nhiệt độ ở nách: Kết quả đo nhiệt độ nách trên 38 độ C thường cho thấy trẻ bị sốt.
- Đo nhiệt độ ở trán: thường được sử dụng vì tiện lợi và dễ sử dụng. Tré sốt khi nhiệt độ trên 38 độ C.
Điều trị sốt ở trẻ em
Thông thường khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, phụ huynh cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt (đường uống hoặc nhét hậu môn) loại paracetamol liều từ 10 đến 15 mg/kg cân nặng mỗi lần, cách 4-6 tiếng và 1 ngày tối đa chỉ dùng 4 lần. Trong trường hợp trẻ vẫn còn sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc có triệu chứng dọa co giật, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Ngoài thuốc hạ sốt, phụ huynh có thể cho trẻ chườm ấm, lau người bằng nước ấm hoặc tắm nước ấm giúp trẻ giảm sốt. Tuyệt đối không dùng nước lạnh hay rượu, cồn để lau, chườm cho trẻ.
Lưu ý không được sử dụng aspirin cho trẻ em dưới 18 tuổi, sẽ có nguy cơ gây ra hội chứng Reye gây tổn thương não và gan.
Khi sốt, trẻ sẽ dễ bị mất nước, vì vậy trẻ cần được bù nước và điện giải. Phụ huynh cần lưu ý điều này để tránh tình trạng mất nước ở trẻ.
Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ bị sốt?
Trẻ bị sốt có thể theo dõi và hạ sốt tại nhà. Nhưng nếu trẻ gặp một trong những biểu hiện hoặc trong tình huống dưới đây, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
- Trẻ em dưới 3 tháng tuổi bị sốt từ 38 độ C trở lên.
- Trẻ em từ 3 tháng đến 3 tuổi bị sốt từ 39 độ C trở lên hoặc sốt hơn một ngày.
- Trẻ ở mọi lứa tuổi bị sốt cao liên tục kéo dài hơn 24 giờ.
- Trẻ ở mọi lứa tuổi có nhiệt độ từ 40 độ C trở lên.
- Trẻ li bì, bỏ bú hoặc ăn bú kém
- Trẻ nôn nhiều lần hoặc bị tiêu chảy nặng.
- Trẻ bị sốt và phát ban.
- Trẻ có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như tiểu ít (thay tã ướt ít hơn bình thường) khóc không ra nước mắt, mắt trũng, khô miệng hoặc thóp trước lõm/trũng nhấp nhô ở trẻ còn thóp .
- Cơn sốt không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà sau một ngày ở trẻ sơ sinh và sau 2-3 ngày ở trẻ trên 2 tuổi.
Các trường hợp được coi là cấp cứu khi trẻ bị sốt:
- Trẻ thở nhanh, khó thở hoặc thở chậm
- Bé quấy khóc liên tục, bứt rứt hoặc lừ đừ, bú kém, khóc yếu
- Nôn và đau đầu hoặc cứng cổ
- Môi hoặc da tái xanh
- Ban xuất huyết
- Co giật
Sốt là phản ứng có lợi của cơ thể, biểu hiện khi trẻ mắc phải tình trạng viêm nhiễm và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều quan trọng là phụ huynh cần bình tĩnh, theo dõi tổng trạng của trẻ, đo nhiệt độ thường xuyên, sử dụng thuốc hạ sốt hợp lý và nhận biết được các triệu chứng nặng cần đưa trẻ đi khám sớm.