Những điều cần biết về thực hiện xét nghiệm cúm

Tác giả: - Xuất bản: 04/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
xet-nghiem-cum-la-gi
Người bệnh cần lưu ý những gì trong quá trình xét nghiệm cúm? - ảnh: BookingCare
Xét nghiệm cúm là phương pháp chẩn đoán nhanh và hiệu quả các trường hợp nghi ngờ hoặc có biểu hiện mắc bệnh.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng một tỷ trường hợp mắc bệnh cúm, trong đó có 3–5 triệu trường hợp mắc bệnh nặng. Vì vậy, việc kiểm soát và phòng ngừa lây lan cúm trong cộng đồng được xem là điều quan trọng, trong đó thực hiện xét nghiệm cúm là biện pháp chẩn đoán an toàn và chính xác nhất. Đọc thêm thông tin liên quan đến xét nghiệm qua bài viết sau.

Mục đích xét nghiệm cúm

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra. Bệnh cúm bùng phát chủ yếu vào mùa đông, giao mùa và lây lan từ người này sang người khác qua việc ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm. Các loại virus cúm phổ biến gồm virus cúm A, cúm B và cúm C.

Việc thực hiện xét nghiệm cúm giúp người xét nghiệm và bác sĩ xác định chủng virus, mức độ nhiễm bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Đối tượng cần xét nghiệm cúm

Người bệnh có thể thực hiện xét nghiệm cúm tại các cơ sở xét nghiệm khi xuất hiện các triệu chứng như:

  • Sốt cao đột ngột trên 39 độ C.
  • Ho khan, ngứa, rát, đau họng.
  • Đau đầu, chóng mặt.
  • Cơ thể ớn lạnh, rét run.
  • Sổ mũi, nghẹt mũi.
  • Mất vị giác.
  • Đau cơ, mệt mỏi, khó thở.

Ngoài ra, một số trường hợp có nguy cơ cao mắc virus hoặc dễ gặp các biến chứng nặng do cúm cũng cần được xét nghiệm chẩn đoán bệnh cúm. Các trường hợp đó bao gồm:

  • Người có hệ thống miễn dịch yếu.
  • Người có bệnh nền, bệnh mãn tính trước đó: viêm phổi, viêm phế quản,...
  • Phụ nữ có thai, người già trên 65 tuổi hoặc trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Người sống ở khu vực đang có dịch cúm hoặc có nguy cơ cao bùng phát bệnh.

Quy trình và phương pháp xét nghiệm cúm

Quy trình xét nghiệm cúm thường bao gồm thu thập mẫu từ mũi hoặc họng để phân tích. Có hai phương pháp chính thường được sử dụng phổ biến để xét nghiệm cúm gồm xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm kháng thể.

Xét nghiệm nhanh (RIDT)

Xét nghiệm kiểm tra sự xuất hiện của kháng nguyên cúm. Đây là loại xét nghiệm cúm được sử dụng phổ biến nhất để sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm. Xét nghiệm hoạt động dựa trên cơ chế phát hiện virus cúm dựa trên việc tìm kiếm kháng nguyên được kích hoạt phản ứng từ miễn dịch cơ thể .

Xét nghiệm nhanh RIDT cung cấp kết quả trong vòng 10 đến 15 phút sau khi lấy mẫu. Tuy nhiên, xét nghiệm RIDT không có độ đặc hiệu cao, người làm xét nghiệm vẫn có thể mắc cúm mặc dù xét nghiệm cho kết quả âm tính.

Xét nghiệm phân tử

Xét nghiệm phân tử nhanh là xét nghiệm cúm phát hiện vật liệu di truyền (ADN) của virus cúm. Xét nghiệm phân tích mẫu dịch lấy từ mũi, sau đó được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Xét nghiệm cho kết quả sau 15 đến 30 phút và có độ tin cậy cao hơn RIDT.

Xét nghiệm này thường được thực sử dụng cho các trường hợp đang điều trị hoặc xuất hiện các triệu chứng cúm.

Xét nghiệm RT-PCR

Đây là phương pháp xét nghiệm được đánh giá cao nhất về độ chính xác của kết quả so với hai xét nghiệm còn lại. Xét nghiệm tổng hợp phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR) dựa trên mẫu ARN để tìm ra ADN của virus.Tuy nhiên, xét nghiệm này có thể cần 4-6 tiếng mới có kết quả.

cac-phuong-phap-xet-nghiem-cum
Bệnh nhân sẽ được chỉ định các phương pháp xét nghiệm cúm tùy theo tình trạng sức khỏe và dấu hiệu bệnh lý - ảnh: canva.com

Những điều cần làm sau khi có kết quả xét nghiệm cúm

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm cúm, có một số hướng dẫn cần tuân thủ để đảm bảo sự an toàn của bạn và người xung quanh:

Nếu kết quả xét nghiệm cúm dương tính

  • Người bệnh sẽ được bác sĩ chẩn đoán cụ thể về chủng loại và mức độ bệnh, từ đó đưa ra những phương án điều trị cần thiết.
  • Người bệnh cần thực hiện tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người khác để ngăn chặn sự lây lan của virus.
  • Tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách khi giao tiếp.
  • Trong trường hợp bệnh tình diễn biến nặng, người bệnh có thể được bác sĩ kê thuốc điều trị cúm như Zanamivir (Relenza), Oseltamivir (Tamiflu), Peramivir (Rapivab)... để giảm thiểu các triệu chứng bệnh.

Nếu kết quả xét nghiệm cúm âm tính

  • Người xét nghiệm cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cúm như đeo khẩu trang, rửa tay và tránh tiếp xúc gần với người mắc cúm.
  • Nếu có triệu chứng cúm hoặc tiếp tục có tiếp xúc gần với người mắc cúm, cần tiếp tục theo dõi sức khỏe và thông báo cho bác sĩ nếu có các triệu chứng sức khỏe bất thường.
  • Thực hiện xét nghiệm cúm định kỳ và tiêm phòng vacxin để bảo vệ sức khỏe và hạn chế lây nhiễm virus trong cộng đồng.

Một số cách chăm sóc sức khỏe tại nhà sau xét nghiệm cúm

Đối với các trường hợp mắc cúm, nếu không thuộc các đối tượng có vấn đề sức khỏe đặc biệt (mang thai, có bệnh nền, người già, trẻ nhỏ,...), người bệnh và người thân có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà như sau:

  • Bổ sung nước liên tục để thúc đẩy quá trình trao đổi và làm mát cơ thể.
  • Sử dụng đồ ăn dễ tiêu (cháo, súp, nước ép…), thực phẩm giàu vitamin C và khoáng giúp tăng cường sức đề kháng (cam, ổi, rau màu xanh,...).
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động thể thao, ngoài trời để tránh mất sức và hạn chế nguy cơ lây bệnh.
  • Sử dụng một số loại thuốc như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB,...) theo hướng dẫn kê đơn của bác sĩ để hạ sốt, giảm đau.

Xét nghiệm cúm không chỉ xác định chính xác sự hiện diện của virus cúm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Người bệnh nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc nghi ngờ có khả năng mắc cúm cần đến các cơ sở y tế để được khám và chỉ định thực hiện xét nghiệm chẩn đoán phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết