Những điều cần biết về: Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Tác giả: - Xuất bản: 21/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang - Ảnh: BookingCare
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là gì? Có nguy hiểm tới tính mạng hay không? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là một trong những bệnh lý da liễu rất phổ biến tại Việt Nam - nơi có điều kiện thuận lợi cho loài côn trùng này sinh sôi và phát triển. Mỗi người cần nắm được những kiến thức cơ bản về bệnh lý này để có thể bảo vệ bản thân và gia đình.

Nhận biết kiến ba khoang

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus Fuscipes Curtis, thuộc Họ Staphilinidae (Cánh cụt), Bộ Colleoptera (Cánh cứng), Lớp Insecta (Côn trùng), Ngành Động vật.

Loài côn trùng này có bề ngoài đặc trưng rất dễ nhận dạng với 2 màu đen đỏ phân chia thành các đốt với màu sắc so le. Màu đỏ có thể đậm hoặc nhạt, đôi khi là màu cam hoặc vàng cam tùy theo từng loại và từng môi trường sống.

Kiến 3 khoang - Ảnh: Internet

Kiến ba khoang còn có tên gọi khác là: kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít,... Loài côn trùng này có thân mình thon dài, kích thước như hạt thóc dài khoảng 1cm. Kiến ba khoang có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh.

Kiến ba khoang thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau hoặc ở gần những nơi đang có công trình xây dựng. 

Kiến ba khoang gây viêm loét trên da như thế nào

Các vết thương gây ra bởi kiến ba khoang là một dạng của viêm da tiếp xúc kích ứng. Trong thân kiến có chất Pederine (C24H43O9N), có thể gây cháy, bỏng da giống như chất cangtadin của sâu ban miêu và chất phospho ở con giời - loài động vật gây ra bệnh giời leo.

Khi cơ thể tiếp xúc với độc tố pederin có trong cơ thể kiến ba khoang, làn da bắt đầu châm chích và xuất hiện các biểu hiện rõ rệt, gây đau đớn, bất tiện và rất mất thẩm mỹ.

Kiến ba khoang có thể xuất hiện ở bất kì đâu. Đặc biệt là trong suốt mùa mưa bão, lũ lụt, các loại côn trùng này di chuyển đến các vùng khô ráo hơn. Sau những ngày mưa lũ làm ngập đồng ruộng, ao hồ thì vào ban đêm, kiến khoang và các loài côn trùng khác, theo ánh đèn bay vào nhà. 

Chúng có thể bám vào khăn mặt, quần áo, giày dép,... nếu vô tình bị giết hoặc chà nát, chất độc trong cơ thể chúng tiết ra và bám vào da người. Gây nên bệnh viêm da tiêp xúc kích ứng.

Xét nghiệm chẩn đoán viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể được chẩn đoán bằng mắt thường thông qua các biểu hiện về màu sắc, kích thước, vị trí, đặc điểm của vết loét. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bệnh Zona thần kinh.

Xác định sai bệnh và điều trị sai cách có thể khiến tình trạng viêm loét thêm trầm trọng hơn dẫn tới các vấn đề về sẹo xấu và vết thâm . Người bệnh nên đi khám trực tiếp với các bác sĩ để được tư vấn và điều trị chính xác nhất.

Các bác sĩ có thể chẩn đoán lâm sàng hoặc lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân cụ thể trong trường hợp không rõ nguyên nhân chính xác.

Các triệu chứng tổn thương da thường gặp

Các tổn thương do kiến ba khoang gây ra tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng độc tính của chúng có thể phá hủy da nặng nề nếu người bệnh không điều trị kịp thời. Theo nghiên cứu, chất độc có trong cơ thể kiến ba khoang mạnh gấp 12 - 15 lần so với rắn hổ.

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang:

  • Tổn thương trên da thường xuất hiện tại vùng da hở ở một số vị trí như mặt, cổ, gáy, hai tay và chân. Khoảng 80% vết thương xuất hiện ở vị trí mặt, còn lại là ở trên cơ thể.
  • Ban đầu, vùng da bị tổn thương sẽ có dấu hiệu bị tấy đỏ thành vệt dài hoặc thành đám kèm theo đó là cảm giác bỏng rát và ngứa
  • Sau khoảng 6 đến 12 tiếng, tổn thương bắt đầu biểu hiện rõ hơn, các dát đỏ trước đó hơi cộm lên, trên xuất hiện mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti, ở giữa có vùng hơi lõm màu vàng nâu.
  • Tổn thương có thể gặp hình ảnh dạng đối xứng qua nếp gấp như ở khuỷu tay, khoeo chân, nách theo kiểu tổn thương hôn nhau (kissing lesion)
  • Thông thường với những trường hợp nhẹ thì khoảng vài ngày sau đó các mụn nước này có thể tự khô và đóng vảy, sau đó tự lành nhưng khi lành thường để lại những sẹo thâm hay những dát mảng tăng sắc tố sau viêm gây mất thẩm mỹ.
  • Một số trường hợp bị nặng, vùng da bị tổn thương diện rộng có thể bị loét hoại tử và nhiễm trùng kèm theo các dấu hiệu toàn thân như sốt, mệt mỏi, nổi hạch và sưng nóng đỏ đau tại chỗ.

Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ da liễu, tránh trường hợp nhầm lẫn với triệu chứng bệnh Zona thần kinh, ảnh hưởng tới kết quả điều trị.

Điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Hiện nay, trong dân gian lưu truyền nhiều bài thuốc lá đắp trực tiếp lên da để điều trị vết thương do kiến ba khoang. Tuy nhiên, vẫn chưa có căn cứ chứng minh các phương pháp này là an toàn thậm chí một số biện pháp còn phản khoa học.

Đã có nhiều trường hợp được tiếp nhận tại bệnh viện trong tình trạng viêm loét nghiêm trọng khi tự ý điều trị tại nhà mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

Ngay khi trên da xuất hiện những biểu hiện bất thường, người bệnh nên đi khám sớm để được tư vấn điều trị chính xác. Dưới đây là một vài biện pháp điều trị thường được bác sĩ chỉ định:

Điều trị tại chỗ là chủ yếu, tùy theo giai đoạn tổn thương

Tại chỗ

  • Ngay khi bị tổn thương: có thể dùng nƣớc muối sinh lý (NaCl 9%0), rửa tổn thương 3-4 lần/ngày nhằm trung hòa độc tố của côn trùng. Tránh kì cọ làm tổn thương lan rộng. 
  • Khi các tổn thương đỏ, đau rát: dùng các thuốc làm dịu da, chống viêm nhƣ các loại hồ (hồ nước, hồ Tetra-Pred) hay các loại mỡ kháng sinh phối hợp với corticoid bôi 2-3 lần/ngày.
  • Trường hợp bọng nước, bọng mủ: chấm dung dịch màu milian, castellani, nƣớc thuốc tím pha loãng...bôi 1-2 lần/ngày. 

Toàn thân: thường không cần phải điều trị

  • Trường hợp thương tổn lan rộng, bọng mủ rộng và có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân: kháng sinh uống.
  •  Kháng histamin để giảm ngứa, giảm kích ứng da.

Bảo vệ da an toàn, hiệu quả

Trong quá trình điều trị bệnh, tuyệt đối không gãi, tránh trường hợp vết loét lan ra rộng ra hoặc tổn thương sâu hơn có thể dẫn tới nhiễm trùng, để lại sẹo rất khó điều trị.

Dưới đây là một số biện pháp giúp bảo vệ da an toàn khỏi nguy cơ bị kiến ba khoang đốt:

  • Thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Xông tinh dầu thơm để xua đuổi côn trùng.
  • Mắc màn khi đi ngủ, có thể thay đèn trong phòng bằng các loại đèn ánh vàng.
  • Những khu vực xuất hiện nhiều kiến ba khoang cần được dọn dẹp thường xuyên, phát quang bụi rậm và phun thuốc diệt côn trùng.
  • Cẩn thận hơn khi bước vào mùa mưa lũ vì tổ của kiến ba khoang thường bị ngập nước, chúng thường tìm đến nơi khô ráo và có ánh đèn trong nhà.
  • Khi nhìn thấy kiến ba khoang, tuyệt đối không được dùng tay nghiền nát hoặc chà xát chúng trên thân mình để tránh độc tố pederin tiết ra.
  • Phủi sạch quần áo và chắc chắn không có côn trùng hay vật thể lạ gì bám lên.

Nhìn chung, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đem lại rất nhiều phiền phức cho ai gặp phải. Bệnh không chỉ gây đau đớn, khó chịu, mất thẩm mỹ mà còn có nguy cơ biến chứng viêm loét nguy hiểm. Người bệnh nên đi khám sớm  ngay khi trên da xuất hiện những triệu chứng bất thường.