Những điều cần biết về xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục

Tác giả: - Xuất bản: 27/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
xet-nghiem-benh-lay-qua-duong-tinh-duc
Xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục là điều được nhiều người quan tâm hiện nay - ảnh: BookingCare
Các xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục hiện nay ngày càng được khuyến khích cho nhiều đối tượng để phát hiện các bệnh lây qua đường tình dục.

Các biện pháp xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục khác nhau đều có chung mục đích chẩn đoán và đánh giá mức độ bệnh. Dựa vào đó, bác sĩ có thể đưa ra các biện pháp điều trị và phòng ngừa phù hợp cho bệnh nhân. Đọc thêm qua bài viết dưới đây.

Mục đích xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục

Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) bao gồm các biểu hiện bất thường (ngứa, đau rát, chảy máu, tiết dịch lạ, sưng đỏ...) sau khi quan hệ liên quan đến bộ phận sinh dục hoặc những nơi có tiếp xúc khi quan hệ như miệng, hậu môn.

Việc xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục giúp xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng bất thường trên da hay hoạt động sinh lý, chức năng cơ quan bất thường của cơ thể.

Ngoài ra, những người có nguy cơ cao hoặc đã tiếp xúc với người mắc bệnh cũng cần xét nghiệm để đánh giá nguy cơ và ngăn chặn lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Trường hợp cần thực hiện xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục

Những trường hợp đã từng quan hệ tình dục nên thực hiện xét nghiệm bệnh mỗi năm một lần. Một số trường hợp nên thực hiện xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục nếu:

  • Có các triệu chứng lâm sàng như: ngứa ngáy, mẩn đỏ, sưng, nổi hạt, đau rát, ra khí hư có mùi hôi, tiểu buốt…
  • Nhóm người có nguy cơ cao: những người có nhiều đối tác tình dục, tham gia vào các hoạt động tình dục không an toàn hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh lây qua đường tình dục.
  • Nam có quan hệ tình dục đồng giới
  • Phụ nữ có triệu chứng viêm nhiễm âm đạo nhưng xét nghiệm nước tiểu không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh.

Các xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục phổ biến

Các phương pháp xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục hiện nay được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có một số phương pháp xét nghiệm được sử dụng phổ biến như:

Phương pháp xét nghiệm  Chi tiết
Xét nghiệm máu
  • Phân tích mẫu máu tìm ra kháng nguyên hoặc kháng thể đặc trưng
  • Chẩn đoán một số bệnh như: HIV, bệnh giang mai và bệnh lậu.
Xét nghiệm nước tiểu
  • Sử dụng mẫu nước tiểu để tìm kiếm dấu hiệu của vi khuẩn, vi rút hoặc tế bào bất thường.
  • Có thể phát hiện các bệnh nhiễm trùng âm đạo hoặc bàng quang.
Xét nghiệm dịch tiết
  • Sử dụng chẩn đoán các các bệnh như: nhiễm trùng đường sinh dục, viêm âm đạo và bệnh lậu.
  • Thu thập mẫu dịch tiết từ bộ phận sinh dục nhằm kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc tế bào bất thường.
Xét nghiệm mô bệnh phẩm
  • Thu thập mẫu từ vết thương loét, mảo mủ, niệu đạo hoặc âm đạo tìm kiếm vi khuẩn, vi rút hoặc tế bào bất thường.
  • Là phương pháp phổ biến để xác định tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn, HPV và bệnh lậu.

Cần làm gì sau khi có kết quả xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục?

Sau khi có kết quả xét nghiệm, tùy thuộc vào kết quả cụ thể và tình trạng sức khỏe, người bệnh có thể chú ý một số lưu ý sau:

Kết quả xét nghiệm âm tính

  • Xét nghiệm âm tính cho thấy không có virus trong cơ thể ở thời điểm xét nghiệm, tuy nhiên kết quả âm tính không khẳng định người đã xét nghiệm không mắc hoặc không có nguy cơ nhiễm bệnh sau này.
  • Các trường hợp này cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục như: sử dụng bao cao su, hạn chế số lượng đối tác tình dục, thực hiện vệ sinh sau khi quan hệ tình dục...
  • Thực hiện xét nghiệm định kỳ để kiểm tra nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục và can thiệp kịp thời.

Kết quả xét nghiệm dương tính

  • Kết quả xét nghiệm của bạn là dương tính cho thấy sự hiện diện của virus hoặc vi khuẩn gây bệnh.
  • Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn về phương pháp điều trị phù hợp dựa trên loại bệnh lý đang mắc.
  • Tuân thủ nguyên tắc điều trị để đảm bảo điều trị dứt điểm và ngăn chặn sự lây lan ra bên ngoài.

Thông báo cho đối tác tình dục nếu có tiếp xúc trong thời gian mắc bệnh, để đối tác thực hiện xét nghiệm nhằm giảm thiểu nguy cơ phát triển và ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục có ý nghĩa quan trọng việc chẩn đoán và đưa ra các phương án điều trị bệnh tình dục. Hầu hết các bệnh đều có khả năng chữa khỏi cao nên người bệnh cần chủ động thực hiện các bước sàng lọc ban đầu để đánh giá và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết