Những loại thực phẩm người bệnh huyết áp cao nên tránh

Tác giả: - Xuất bản: 29/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Những loại thực phẩm người bệnh huyết áp cao nên tránh
Những loại thực phẩm người bệnh huyết áp cao nên tránh - Ảnh: BookingCare
Người bệnh cao huyết áp có thể kiểm soát huyết áp của mình bằng việc xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu những loại thực phẩm mà người bệnh huyết áp cao nên tránh để có thể duy trì huyết áp ổn định và giảm nguy cơ biến chứng do cao huyết áp.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý huyết áp ở người bệnh huyết áp cao. Người bệnh cần chú ý lựa chọn thực phẩm phù hợp và tránh sử dụng các loại thức ăn chứa chất gây hại cho sức khỏe đặc biệt là thực phẩm không tốt cho việc kiểm soát huyết áp. 

Những loại thực phẩm người bệnh huyết áp cao nên tránh

Muối và các đồ ăn chứa hàm lượng muối cao

Natri chiếm khoảng 40% trong thành phần của muối. Natri có trong muối ăn gây tích nước trong tế bào, khiến tim đập nhanh và tăng huyết áp. Đặc biệt, người bị tăng huyết áp không nên ăn các món muối chua như dưa muối, cà muối, hành muối, kim chi,... vì các món này chứa hàm lượng natri cao.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, một người chỉ nên ăn ít hơn 6g muối/ ngày. Với người bị tăng huyết áp thì lượng muối nên chỉ từ 1-2g/ngày

Thực phẩm chứa nhiều đường

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các loại thức ăn đặc biệt là đồ uống chứa nhiều đường góp phần làm tăng cân ở cả người lớn và trẻ em. Thừa cân và béo phì là nguyên nhân chính dẫn tới tăng huyết áp. 

Một nghiên cứu năm 2019 ở phụ nữ bị huyết áp cao đã chỉ ra rằng việc giảm 2,3 thìa cà phê đường mỗi ngày có thể làm giảm 8,4 mmHg huyết áp tâm thu và 3,7 mmHg huyết áp tâm trương.

Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị giới hạn lượng đường nên sử dụng hàng ngày như sau:

  • 6 thìa cà phê đường tương đương 25 gram đối với nữ giới
  • 9 muỗng cà phê đường tương đương 36 gram đối với nam giới

Đồ ăn chứa chất béo chuyển hóa hoặc chất béo bão hòa

Chất béo chuyển hóa là chất béo nhân tạo có nhiều trong các loại sản phẩm đóng hộp giúp kéo dài thời gian sử dụng. Bên cạnh đó, chất béo bão hòa có nhiều trong các loại thịt, mỡ động vật đặc biệt là mỡ heo và có trong nhiều loại kem, sữa béo, dầu cọ, dầu dừa, phomai,...

Các loại chất béo này chứa nhiều cholesterol rất có hại cho tim mạch, tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác. Khi cơ thể nạp các loại chất béo này, mức cholesterol LDL (có hại) tăng lên và mức cholesterol HDL (có lợi) bị giảm xuống, làm tăng nguy cơ cao huyết áp.

Người bệnh huyết áp cao có thể sử dụng những loại chất béo không bão hòa an toàn đến từ nhiều loại thực phẩm thay thế như: cá hồi, dầu oliu, các loại hạt,...

Nội tạng động vật

Nội tạng động vật chứa hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn nhiều so với thịt. Khi nội tạng động vật được tiêu thụ, lượng mỡ máu tăng cao gây tăng huyết áp và rất có hại cho tim mạch.

Ngoài ra, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn các nguy cơ gây bệnh ung thư, giun sán, ngộ độc thức ăn

Các chất kích thích như: rượu bia, cà phê, thuốc lá,...

Nghiên cứu từ năm 2017 đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc hạn chế uống rượu bia và giảm huyết áp ở những người thường uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày. Ở những người không bị tăng huyết áp, hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. 

Ngoài ra, nhiều đồ uống có cồn chứa nhiều đường và calo. Uống nhiều rượu có thể gây thừa cân và béo phì, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và bệnh tiểu đường. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên rằng nên hạn chế uống rượu ở mức hai ly mỗi ngày đối với nam và một ly mỗi ngày đối với nữ.

Huyết áp cao là căn bệnh mãn tính nguy hiểm có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Người bệnh cần có nhận thức về việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình. Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh là biện pháp an toàn giúp người bệnh quản lý huyết áp hiệu quả.