Tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2: Phân biệt để điều trị đúng cách
Phân biệt tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2 - Ảnh: BookingCare
Phân biệt tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2 - Ảnh: BookingCare

Tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2: Phân biệt để điều trị đúng cách

Tác giả: - Xuất bản: 14/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Bài viết này sẽ chỉ ra những điều mấu chốt để phân biệt tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, từ đó có những phương hướng điều trị đúng cách cho mỗi loại bệnh.

Hai loại bệnh Đái tháo đường phổ biến hiện nay là đái tháo đường típ1 và đái tháo đường típ 2. Trong đó, đái tháo đường típ 2 phổ biến hơn với gần 90% người mắc phải, còn lại là đái tháo đường típ 1. Mặc dù đều là bệnh lý chuyển hóa mãn tính, hai loại bệnh này vẫn có nhiều điểm cần phân biệt để điều trị đúng cách.

Cách phân biệt đái tháo đường típ1 và típ 2

Tiểu đường típ 1 và típ 2 đều là tình trạng nồng độ đường huyết trong cơ thể tăng cao, gây tổn thương đến nhiều bộ phận, cơ quan. Chình vì vậy, hai loại bệnh lý này đều có chung một số triệu chứng và cách chẩn đoán, tuy nhiên, vẫn có một số đặc điểm giúp phân biệt chúng để có biện pháp điều trị hiệu quả:

 

Tiểu đường típ 1

Tiểu đường típ 2

Nguyên nhân

Bệnh đái tháo đường típ 1 xảy ra do các phản ứng tự miễn của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào sản sinh insulin của tuyến tụy, do đó glucose trong máu không thể chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể

Ở đái tháo đường típ 2, tuyến tụy vẫn có khả năng tiết insulin nhưng nồng độ tiết ra không đủ hoặc các tế bào không đáp ứng được với insulin (hiện tượng kháng insulin) nên lượng đường cũng không được chuyển hóa hết mà vẫn tồn dư trong máu

Độ tuổi thường gặp

Tiểu đường típ 1 xuất hiện ở cả độ tuổi trẻ, thanh thiếu niên (thường là dưới 30 tuổi)

Tiểu đường típ 2 chủ yếu bắt gặp ở người trưởng thành, trên 30 tuổi 

Các triệu chứng khởi phát

Các triệu chứng xuất hiện nhanh và rõ ràng, bao gồm: hay cảm thấy khát và đói, đi tiểu thường xuyên; sụt cân không rõ lý do

Biểu hiện xuất hiện chậm và thường ít có triệu chứng rõ rệt như bệnh đái tháo đường típ1

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường típ1:

- Tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường

- Do phơi nhiễm với một số loại virus khiến các tế bào tuyến tụy bị tấn công và phá hủy

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường típ 2:

- Thừa cân, béo phì

- Trên 45 tuổi

- Hoạt động thể chất ít hơn 3 lần một tuần

-Mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường thai kỳ

- Từng mắc các bệnh lý như: huyết áp cao, rối loạn lipid máu, suy giáp, buồng trứng đa nang

Biến chứng nhiễm toan ceton

Có xuất hiện ceton tăng nhiều trong máu, nước tiểu. Trường hợp nặng có thể bị hôn mê do nhiễm toan ceton

Ít gặp tình trạng nhiễm toan ceton ở người bệnh đái tháo đường típ2

Chỉ số C-peptid

(đây là chỉ số thường được sử dụng để đánh giá tình trạng sản xuất insulin)

Thường thấp hoặc không đo đường

Chỉ số bình thường hoặc tăng nhẹ

Phòng ngừa bệnh

Chưa tìm ra biện pháp phòng ngừa

Có thể ngăn ngừa bằng cách thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh, kết hợp giữa chế độ ăn uống và chế độ tập luyện

Phương pháp điều trị đúng với mỗi loại bệnh

Điều trị đái tháo đường típ 1

Phương pháp tổng thể cho bệnh đái tháo đường típ 1 cần kết hợp tổng hợp giữa chế độ ăn uống, tập luyện và sử dụng thuốc tiêm insulin, cụ thể như sau:

  • Về chế độ ăn uống: Cần ưu tiên các loại  thực phẩm có chỉ số đường huyết (chỉ số GI) thấp, đảm bảo không làm đường huyết tăng cao sau khi nạp vào cơ thể. Đồng thời, cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và thức ăn có hàm lượng đường tinh luyện lớn
  • Về chế độ tập luyện: Tần suất tập luyện nên đảm bảo mỗi ngày 30 phút hoặc mỗi tuần 150 phút, cường độ nên tăng dần từ cơ bản đến nâng cao
  • Về thực hiện tiêm insulin: Người bệnh đái tháo đường típ 1 cần tiêm insulin để duy trì mức đường huyết ổn định. Liều lượng tiêm cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp với theo dõi đường huyết thường xuyên để điều chỉnh sao cho phù hợp

Điều trị đái tháo đường típ 2

Để điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 cũng cần thực hiện theo các nguyên tắc về chế độ ăn uống, chế độ tập luyện tương tự như đái tháo đường típ1. Tuy nhiên, nếu đái tháo đường típ2 chưa tiến triển nặng thì có thể sử dụng các loại thuốc uống giúp kiểm soát được đường huyết, bao gồm:

  • Nhóm thuốc kích thích tuyến tụy bài tiết insulin (sulphonylurea)
  • Nhóm thuốc giảm đề kháng insulin (Metformin)
  • Nhóm thuốc ức chế enzyme alpha glucosidase (Acarbose, Miglitol)
  • Nhóm thuốc ức chế vận chuyển SGLT2 (Canagliflozin, Dapagliflozin, Empagliflozin, Ertugliflozin)
  • Nhóm thuốc đồng vận GLP-1 (Liraglutide, Dulaglutide, Exenatide, Lixisenatide)
  • ….

Tổng kết lại, bệnh đái tháo đường típ 1 và típ 2 đều là bệnh mãn tính, đều làm tăng đường huyết trong máu nhưng vẫn có nhiều điểm khác nhau về triệu chứng, nguyên nhân, các điều trị. Nắm được những điểm giúp phân biệt đái tháo đường típ 1 và típ 2 sẽ giúp chúng ta biết được phương pháp điều trị đúng cho mỗi loại bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết