Nóng gan: triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 19/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/03/2025
Người bệnh nóng gan
Nóng gan là vấn đề sức khỏe có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng - ảnh: BookingCare
Tình trạng nóng gan có thể xảy ra ở mọi đối tượng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc tìm hiểu thông tin về hiện tượng này giúp bạn đọc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tốt hơn!

Nhìn chung theo quan niệm của Đông và Tây y, nóng gan là tình trạng gan hoạt động quá mức, dẫn đến những tổn thương làm suy giảm chức năng gan cấp tính. Nóng gan nếu không được theo dõi và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng nóng gan

Khi gan bị nóng, người bệnh có thể cảm nhận được một số triệu chứng điểm hình bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu ở vùng bụng, đặc biệt là vùng bên phải dưới sườn.
  • Da và mắt chuyển sang màu vàng hoặc xanh nhạt.
  • Mụn nhọt, mẩn ngứa trên da.
  • Chán ăn, cảm giác khô, nóng trong người.
  • Cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống.
  • Một số trường hợp có thể bị rối loạn tiêu hóa

Nguyên nhân gây nóng gan

Các triệu chứng nóng gan có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó những lý do phổ biến nhất có thể kể tới gồm:

  • Nhiễm trùng gan, viêm gan siêu vi do vi rút như: viêm gan A, B, C... tấn công tế bào gây ra tình trạng nóng gan.
  • Sinh hoạt không điều độ, thức khuya, nghỉ ngơi không hợp lý,...
  • Lạm dụng và sử dụng lượng lớn các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá hoặc ma túy... có thể gây ra viêm gan và nóng gan.
  • Sử dụng thuốc trong khoảng thời gian dài hoặc lạm dụng một số thuốc điều trị bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng gan.
  • Một số bệnh lý làm tăng men gan hoặc gây rối loạn chức năng gan như: gan nhiễm mỡ, xơ gan hoặc một số bệnh tự miễn,...
  • Yếu tố di truyền.

Các biến chứng xảy ra khi bị nóng gan

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nóng gan có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Xơ gan: nóng gan kéo dài có thể dẫn đến xơ gan. Xơ gan là tình trang mô gan bị tổn thương, gây ra các sẹo không thể hồi phục khiến suy giảm chức năng gan.
  • Viêm gan mãn tính gây tổn thương cấu trúc và chức năng gan.
  • Suy gan: tình trạng suy giảm chức năng gan nghiệm trọng, gây rối loạn chức năng gan và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa, thải độc của cơ thể 
  • Ung thư gan: gan nhiễm độc kéo dài làm tăng nguy cơ tổn thương tế bào, dẫn đến sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư.
Biến chứng nguy hiểm nhất của nóng gan là ung thư gan - ảnh: canva.com

Chẩn đoán nóng gan

Để tìm kiếm nguyên nhân gây nóng gan, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp kiểm tra và xét nghiệm như sau:

  • Kiểm tra triệu chứng: tìm hiểu các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh lý, biểu hiện sức khỏe và thói quen sinh hoạt... nhằm đánh giá tình trạng bệnh và bước đầu xác định nguyên nhân liên quan.
  • Xét nghiệm máu: kiểm tra các chỉ số enzym có trong máu để xác định tình trạng gan.
  • Xét nghiệm hình ảnh: bao gồm siêu âm, chụp CT, chụp cộng hưởng MRI... nhằm kiểm tra gan thông qua hình ảnh không xâm lấn để đánh giá kích thước, cấu trúc và các biến đổi bất thường trên bề mặt gan.

Điều trị nóng gan

Điều trị nóng gan căn cứ vào nguyên nhân gây ra tình trạng và mức độ triệu chứng biểu hiện. Thông thường, điều trị nóng gan có thể áp dụng một số phương pháp như sau:

  • Thay đổi lối sống: áp dụng cho các trường hợp bị nóng gan do sinh hoạt không lành mạnh, bao gồm việc tập thể dục đều đặn, ăn nhiều rau củ, chất xơ, uống đủ nước, hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
  • Điều trị bằng thảo dược: sử dụng một số loại thảo dược có khả năng làm mát gan như: rau má, mướp đắng, mã đề, nhân trần,... để làm mát gan.
  • Điều trị bằng thuốc: bệnh nhân nóng gan do viêm gan do vi rút, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc nhằm kiểm soát và cải thiện tình trạng như: thuốc chống vi rút, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh lý nền...

Các phương pháp chăm sóc và phòng ngừa nóng gan 

Để hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị nóng gan, người bệnh và người thân cần chú ý một số điều sau:

  • Hạn chế và ngưng sử dụng chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, các chất độc hại, ma túy...) giúp làm giảm triệu chứng và cải thiện chức năng gan.
  • Bổ sung nhóm thực phẩm giàu chất xơ, chất chống oxy hóa có lợi cho gan (rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein và chất béo có lợi như cá, hạt, dầu ô liu và dầu hạt lanh...) trong khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Hạn chế và không nên sử dụng thức ăn chiên, rán, chế biến sẵn, đồ ăn có nhiều đường hoặc nhiều muối (dưa muối chua, ô mai,...)
  • Tập thể dục đều đặn giúp giảm cân, hạn chế nguy cơ béo phì, giảm mỡ và cải thiện lưu thông máu.
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất độc hoặc có phương pháp bảo vệ  khi làm việc trong môi trường độc hại.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để đạt kết quả điều trị tốt.

Ngoài ra, bạn đọc cũng cần chú ý phòng ngừa nóng gan bằng việc:

  • Tiêm vacxin phòng ngừa viêm gan A hoặc viêm gan B đúng lịch giúp bảo vệ gan.
  • Hạn chế và không sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ có thể gây tổn thương gan.
  • Thực hiện ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, chú ý nghỉ ngơi và vận động hợp lý.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và đưa ra các biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị sớm nếu cần thiết.

Nóng gan có thể biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức chỉ số chức năng gan của mỗi người. Vì vậy, để kiểm tra chính xác trường hợp của mình, bạn đọc cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn hoặc đưa ra các phương án giải quyết phù hợp, giúp bạn đọc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
ĐẶT KHÁM